www.xbook.com.vn
ĐT: - Email: info@xbook.com.vn
SIÊU THỊ SÁCH TRỰC TUYẾN XBOOK
ĐC: Số 46 ngõ 897 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội


TIỀN KIẾP - CÓ HAY KHÔNG?

Tác giả: Jim B. Tucker
Nhà xuất bản: Phương đông
Giá bìa:79,000
Giá bán:79,000
Năm xuất bản: Quý II / 2010

Cuốn sách xem xét các nghiên cứu về kí ức kiếp trước của trẻ này đã miêu tả 2500 trường hợp thuộc dữ liệu của trường Đại học Virginia mà các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu một cách cẩn thận kể từ khi bác sĩ Ian Stevenson đi tiên phong cách đây 40 năm. Những đứa trẻ này thường bắt đầu kể về kiếp trước ở độ tuổi hai hoặc ba và có thể nói về gia đình lúc trước hoặc cách các em đã chết trong kiếp trước. Các câu nói của các em thường đã được kiểm định là đúng với một người đã chết cụ thể và một số trẻ còn nhận ra được nhiều người trong gia đình kiếp trước

Cuốn sách xem xét các nghiên cứu về kí ức kiếp trước của trẻ này đã miêu tả 2500 trường hợp thuộc dữ liệu của trường Đại học Virginia mà các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu một cách cẩn thận kể từ khi bác sĩ Ian Stevenson đi tiên phong cách đây 40 năm. Những đứa trẻ này thường bắt đầu kể về kiếp trước ở độ tuổi hai hoặc ba và có thể nói về gia đình lúc trước hoặc cách các em đã chết trong kiếp trước. Các câu nói của các em thường đã được kiểm định là đúng với một người đã chết cụ thể và một số trẻ còn nhận ra được nhiều người trong gia đình kiếp trước. Một số em khác lại có các vết bớt hoặc dị tật tương tự với các vết thương trên cơ thể người đã chết.
Tiền kiếp - có hay không? trình bày các trường hợp này một cách rõ ràng và đi sâu vào giả thiết rằng ý thức vẫn có thể tồn tại sau khi bộ não chết đi. Nó là một cuốn sách thú vị và gợi suy nghĩ mà có thể thách thức và làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của độc giả về cuộc sống và cái chết.
Trích đoạn sách hay: 
"...Như tôi đã nói từ trước, nghi thức tạo trước vết bớt được thực hiện ở một số nước Châu Á. Một người nào đó - thường là một người thân trong nhà hoặc một người bạn của gia đình - đánh dấu lên cơ thể của một người đang hấp hối hoặc đã chết, thường là bằng nhọ nồi hoặc bột hồ, với niềm tin rằng khi người đó được tái sinh, đứa bé sẽ mang một vết bớt tương tự với vết đánh dấu này. Người đánh dấu thường cầu nguyện trong lúc thực hiện nghi thức và xin người đang hấp hối hãy mang theo dấu vết này sang cơ thể mới của mình. Sau này một đứa trẻ được sinh ra với một vết bớt được cho là giống với vết đánh dấu trên cơ thể người tiền kiếp.
Tiến sĩ Stevenson là người đầu tiên ở phương Tây miêu tả trọn vẹn nghi thức này nhưng nhiều tác giả khác đã từng đề cập đến nó. Chẳng hạn trong cuốn tự truyện của mình, Đạt Lai Lạt Ma đã từng viết về một trường hợp xảy ra trong gia đình ông. Em trai ông chết khi mới được hai tuổi. Mọi người đã bôi bơ lên người cậu bé sau khi em mất và mẹ ông sau đó đã hạ sinh một đứa con trai khác có một vết bớt mờ ở cùng vị trí với vết đánh dấu trên cơ thể ban đầu.
Trường hợp đó khá điển hình cho những trường hợp chúng tôi đã phát hiện được. Tiến sĩ Stevenson đã miêu tả 20 trường hợp như vậy trong cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học), Jurgen và tôi cũng đã tìm thêm được 18 trường hợp trong các chuyến đi tới Thái Lan và Myanmar. Trong những trường hợp này, người ta thường tạo dấu với hi vọng rằng người được đầu thai mang trên người những vết này sẽ được sinh ra trong cùng một gia đình với người đã chết và 15 trong số 18 trường hợp của chúng tôi là những trường hợp cùng gia đình. Điều này dường như sẽ làm khả năng vết đánh dấu và vết bớt chỉ ngẫu nhiên giống nhau nhỏ đi, so với trường hợp trong đó một đứa trẻ khác trong vùng được xem là hiện thân kiếp sau của người đã chết.
Bên cạnh đó, trong sáu trường hợp, trẻ cũng nói ra những câu liên quan đến cuộc sống kiếp trước và một số các trẻ khác còn rất nhỏ khi chúng tôi gặp các em nên có thể lúc đó vẫn chưa đến lúc các em nói ra những câu đó. Một số em có cả những hành vi và lời nói cho thấy có một mối liên hệ nào đó giữa các em và người tiền kiếp, trong khi ở một số em khác, vết bớt là dấu hiệu duy nhất của mối liên quan này.
Chúng ta có thể lấy ví dụ là một trường hợp tiến sĩ Keil và tôi đã nghiên cứu. Kloy Matwiset là một cậu bé được sinh ra ở Thái Lan vào năm 1990. 11 tháng trước khi cậu bé chào đời, bà ngoại của cậu đã chết vì bệnh tiểu đường. Trước khi mất, bà nói với con dâu của mình rằng bà muốn được đầu thai làm con trai để có thể có nhân tình như chồng của mình. Một ngày sau khi bà qua đời, con dâu của bà dùng bột hồ trắng quét dọc lên đằng sau cổ của bà với mong muốn sẽ nhận ra được mẹ chồng của mình khi bà được đầu thai trở lại.
Mẹ của Kloy có một giấc mộng điềm báo khi chị có thai ở tháng thứ ba, trong đó người bà ngoại nói bà muốn được đầu thai làm con của chị. Mẹ cậu bé đã thấy vết đánh dấu trên người bà. Khi Kloy được sinh ra, chị nhận thấy con mình có một vết bớt đằng sau cổ ở cùng một chỗ với vết đánh dấu. Chúng tôi gặp cậu bé và nhìn thấy một vết bớt dọc nhạt màu rất rõ ở đằng sau cổ cậu bé có hình dạng tương tự như một vết quệt ngón tay. Người đánh dấu đã xác nhận rằng vết bớt khác thường này ở cùng một vị trí với chỗ chị đã tạo dấu lên cơ thể người bà.
Khi Kloy còn khá nhỏ, cậu bé đã nói một số câu về cuộc sống kiếp trước của mình. Cậu bé nói mình chính là bà ngoại và bảo với mẹ mình rằng em là mẹ của chị. Cậu cũng nói cánh đồng lúa của bà ngoại thuộc về mình. Thêm vào đó, cậu bé còn có một số cách cư xử rất nữ tính. Cậu bé nói muốn làm con gái và khi còn nhỏ, em thường ngồi xuống để đi tiểu. Em cũng thích mặc đồ con gái; dùng son, khuyên tai và váy của mẹ rất nhiều lần. Ở trường, cậu thích chơi và học cùng các bạn gái hơn các bạn trai, cậu không tham gia vào các trò chơi dành cho con trai ở vùng đó như trèo cây chẳng hạn. Cả bố và mẹ của cậu bé đều phàn nàn về cách cư xử nữ tính của em và nói rằng họ không bao giờ nói chuyện với em về việc em là hiện thân đầu thai của bà ngoại.
Các cách cư xử này cho thấy cậu bé bị mắc một hội chứng gọi là hội chứng rối loạn giới tính, tôi sẽ bàn kỹ hơn về những hành động như vậy trong Chương 6. Giờ tôi muốn tập trung vào vết bớt và nguyên nhân hình thành của nó. Dĩ nhiên có một khả năng là sự ngẫu nhiên. Nhưng nó sẽ không giải thích được các đặc điểm khác của trường hợp này. Ngoài ra, để nói được rằng vết bớt này chỉ ngẫu nhiên xuất hiện sau khi con dâu của người tiền kiếp muốn tạo ra chính một vết như vậy, chúng ta sẽ phải mở rộng giả thiết ngẫu nhiên này.
Một khả năng khác cần xem xét là mặc dù đứa trẻ không phải là hiện thân của người tiền kiếp nhưng chính lời ước và nguyện vọng của người mẹ đã tạo ra vết bớt. Vì trong hầu hết các trường  có vết bớt, trẻ và người tiền kiếp là người cùng một gia đình, nên thường thì mẹ của trẻ đã nhìn thấy hoặc ít nhất cũng biết về vết đánh dấu đó. Lúc này câu hỏi của chúng ta là liệu việc người mẹ mong muốn người đã chết đầu thai làm con mình có thể khiến chị hạ sinh một đứa trẻ có vết bớt tạo trước đó hay không. Khi xem xét giả thiết này, một lần nữa chúng ta lại phải nhớ lại các trường hợp thôi miên. Nếu một hình ảnh trong đầu có thể gây ra một dấu vết trên da một người, vậy thì liệu hình ảnh trong đầu một người mẹ có thể tạo ra vết trên da của một bào thai đang phát triển hay không? Nó sẽ tương tự với các trường hợp nhận dấu ấn từ mẹ - một quan niệm phổ biến vào cuối thế kỷ XIX được dùng để miêu tả những trường hợp trong đó một người mẹ mang thai thấy bất an khi phải chứng kiến dị tật trên thân một người khác sau đó lại hạ sinh ra một đứa trẻ với cùng dị tật đó. Nhiều người đã cho rằng hiện tượng này thật phi lý vì họ không thể tìm ra một cơ chế nào để giải thích cho nó, mặc dù bây giờ chúng ta biết rằng màng bảo vệ nhau có nhiều lỗ hổng hơn nhiều người vẫn nghĩ. Tiến sĩ Stevenson đã liệt kê nhiều trường hợp nhận dấu từ mẹ đã được công bố trong cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học) và chúng bao gồm một số trường hợp có sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ. Nổi bật nhất có lẽ là trường hợp một người phụ nữ mang thai, sau một thời gian phiền muộn vì đã nhìn thấy các vết thương để lại trên người em trai mình sau ca phẫu thuật cắt bỏ dương vật bị ung thư, đã hạ sinh một cậu bé bị thiếu dương vật bẩm sinh - một dị tật hiếm đến nỗi hầu như chưa thấy bao giờ.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các trường hợp vết bớt tạo trước cũng khác các trường hợp thôi miên và nhận dấu ấn từ mẹ ở ít nhất một điểm. Bị thôi miên rõ ràng là một trạng thái tinh thần không bình thường và tương tự như vậy, hầu hết các người mẹ gây dấu ấn cho con đều đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt tinh thần bởi những dị tật họ nhìn thấy. Trong các trường hợp vết bớt tạo trước, người mẹ, mặc dù có thể rất đau buồn vì cái chết của một người thân trong gia đình, thường đã nhìn thấy vết đánh dấu nhưng không đặc biệt thấy xúc động trước chúng. Hơn nữa, thường thì người mẹ nhìn thấy vết đánh dấu một thời gian trước khi mang thai và mặc dù chúng ta đều có thể đoán được rằng thời gian mang thai là khoảng thời gian ý thức chấn thương dễ gây ảnh hưởng lên sự phát triển của bào thai nhất, nếu cho ý rằng hình ảnh người mẹ đã nhìn thấy từ nhiều tháng hoặc năm trước khi mang thai có thể tạo ra dấu vết trên cơ thể con mình nghe kém lô-gic hơn. Có lẽ chúng ta có thể xét đến khả năng mong muốn của người mẹ rằng con mình chính là hiện thân của người đã chết lớn đến nỗi nó đã khiến người mẹ sinh ra một đứa bé có một vết bớt tương tự vết đánh dấu trên người đó. Dĩ nhiên cách giải thích như thế vẫn không lý giải được cho những câu nói và hành động của trẻ trong một số trường hợp.
Còn về giả thiết đầu thai, chúng tôi gặp vấn đề về thời điểm đánh dấu. Đôi khi các vết này được đánh dấu khi người đó đang hấp hối, nhưng thường thì sau khi người đó đã chết. Trong một vài trường hợp, thi thể một người được đánh dấu vài ngày sau khi người đó qua đời hoặc vào lúc đầu của nghi thức hỏa táng. Khi đó, sẽ phải có nhiều yếu tố góp phần tạo ra vết bớt chứ không chỉ là vết đánh dấu trên cơ thể vì nghi thức hỏa táng ngay sau đó có thể sẽ tạo ra kết quả như nghi thức đánh dấu và đứa bé được sinh ra sau này không hề có dấu vết nào cho thấy ảnh hưởng của nó.
Có ít nhất hai khả năng đáng được xem xét. Khả năng thứ nhất là ý thức có thể ở gần cơ thể một thời gian sau khi chết, điều này phù hợp với một số lời kể chúng tôi nghe được từ trẻ về lễ tang của người tiền kiếp (đề cập ở Chương 8). Một vết được đánh dấu lên cơ thể có thể gây ra một tác động tinh thần làm đến vết bớt sau này, cũng như việc các vết thương trong các trường hợp khác có thể giống với các vết bớt trên người trẻ. Một khả năng khác chính lời cầu nguyện của người đánh dấu lại quan trọng hơn bản thân hành động đánh dấu. Khi người đó cầu nguyện cho người chết mang theo dấu này sang kiếp sau, ý thức của người đánh dấu có thể kết nối với ý thức của người chết để tạo ra vết bớt về sau. Chúng ta có thể đoán được rằng thời gian xung quanh cái chết là một khoảng thời gian đặc biệt nhạy cảm và lời cầu nguyện này sẽ có tác dụng gần như một lời thôi miên làm vết bớt xuất hiện trên đứa trẻ được sinh ra sau này.
Trong bất cứ trường hợp nào thì những vết bớt (tạo trước) này cũng rất khó giải thích và chúng có thể cung cấp cho chúng ta một số manh mối về hiện tượng đầu thai nói chung. Chúng cho thấy các vết bớt có thể bắt nguồn từ cả những vết đánh dấu trước và sau cái chết. Nếu đây là những trường hợp đầu thai, điều này sẽ chỉ ra rằng ý thức có thể bị ảnh hưởng bởi những sự kiện xảy ra ít nhất là một khoảng thời gian sau cái chết. Chúng cũng cho thấy, ít nhất là đối với tôi, rằng các vết bớt này có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ mỗi vết thương trên cơ thể. Điều này khá hợp lý xét về một mặt nào đó vì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc lý giải vì sao ý thức lại có thể mang theo một vết thương mà không cần tới cơ thể. Nếu chúng ta đặt giả thiết vết thương thể xác sẽ tạo ra một hình ảnh tinh thần thì ý kiến cho rằng hình ảnh tinh thần đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một bào thai một khi ý thức đã nhập vào nó khá hợp lý khi chúng ta xét đến các tác động của hình ảnh tinh thần trong các trường hợp đặc biệt khác."
Về tác giả: Tiến sĩ y khoa Jim B. Tucker là bác sĩ nhi chuyên khoa tâm thần tại Đại học Virgina - nơi ông làm việc với tư cách là Giám đốc bệnh viện thần kinh Gia đình và Trẻ em.