www.xbook.com.vn
ĐT: - Email: info@xbook.com.vn
SIÊU THỊ SÁCH TRỰC TUYẾN XBOOK
ĐC: Số 46 ngõ 897 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội


CHUYỆN THĂNG LONG - HÀ NỘI QUA MỘT ĐƯỜNG PHỐ ( BÌA MỀM)

Tác giả: Đặng Phong
Nhà xuất bản: Tri thức
Giá bìa:50,000
Giá bán:50,000
Năm xuất bản: Quý IV / 2010

Bằng phương pháp "cắt lớp" lịch sử, tác giả Đặng Phong biên soạn cuốn sách về một "con đường Cái quan" nổi tiếng của Việt Nam - đường Lê Duẩn. Tác phẩm ra mắt dịp Đại lễ kỉ niệm nghìn năm Thăng Long. Triển lãm "Nghìn năm - Một con đường" với những tư liệu và hình ảnh trong cuốn sách sẽ tổ chức vào tháng 12/2010 để tưởng niệm 100 ngày mất của cố tác giả Đặng Phong

Hãy dừng lại, người xa lạ ơi…

Tôi cầu xin đấy, hỡi người qua đường…

Người qua đường ơi, vĩnh biệt !

(Lời trên bia mộ, dặm số 6, đường Appia, Roma)[2]

Trên những vỉa hè Hà Nội, người ta sống với nhau vô cùng gần gũi. Thật nhiều ấn tượng. Một người đàn ông tắm bên bể nước công cộng. Một bé gái gội đầu cho mẹ. Một anh thợ cắt tóc bên chiếc gương giản dị. Quán cà phê buổi sáng khách ngồi trên những chiếc ghế đẩu gỗ. Hàng bún chả thịt lợn nướng buổi trưa. Đám người tụ tập uống bia hơi buổi chiều, bên những đĩa lạc nguyên vỏ và những đĩa đậu phụ bốc khói. Chỗ này người ta sửa xe đạp, chỗ kia nấu nướng ; và đủ các loại hàng hóa bán trong cửa hàng, trong quầy, trên xe đạp, hay trong thúng mủng của những người bán hàng rong từ nông thôn ra. Và tiếng người nói với người : vỉa hè là một cuộc chuyện trò bất tận. Đó là hồi đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, lần đầu tôi biết Hà Nội. Tôi thường đi bộ và nhanh chóng nhận ra rằng, vỉa hè với tất cả những hoạt động này, với đám dây dợ lòng thòng chực cắt ngang cổ bám trên các mái che, thì tôi nên đi bộ dưới lòng đường. Đã chọn lòng đường mà đi, lại còn phải thường xuyên lẩn tránh những lần mặc cả giá một bó hoa hay một cân rau củ nữa, muốn đi bộ thì phải biết điều đó.

Thế rồi, Chính phủ ban hành ‘luật vỉa hè’ : Nghị định 36-CP do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký trở thành luật từ ngày 29 tháng 5 năm 1995. Nghị định này nhằm cải thiện sự an toàn đường phố và trật tự giao thông đô thị. Nó cũng mở ra một chương mới trong quá trình nỗ lực dẹp bỏ hoạt động buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố Thủ đô. Có người dân Hà Nội nào không từng lắc đầu mỗi sáng khi cảnh sát đuổi những người bán hàng rong – giờ vẫn được đi nhưng không được phép dừng lại bán hàng ? Từ ngày ấy, những người có cửa hàng mặt đường đã bắt đầu thương lượng với cảnh sát khu vực, vốn đang thi hành cái nhiệm vụ khó khăn là đưa luật pháp vào cuộc sống. Hàng quán ăn uống biến mất. Những người bán hàng rong trở nên thận trọng và thưa thớt hẳn. Năm tháng trôi qua, những con phố dần dần thay đổi. Lòng đường bây giờ dành cho xe máy các loại, cho ô tô, và từ cuối thế kỷ trước sang thế kỷ XXI, xe buýt dần dần nhiều lên trong thành phố. Vỉa hè giờ đã dành cho người đi bộ, là nơi đỗ xe và nơi đứng đón xe.

Cuộc sống đường phố không hoàn toàn biến mất, nhưng rất nhiều phần của nó đã lùi vào bên trong những ngôi nhà, hay quay trở lại các làng quê. Có một điều mà lúc ấy tôi không nhận ra, rằng vài năm trước 1995 là thời hoàng kim của văn hóa “sống vui phố hè”[3]. Đó là thời Đổi Mới khi những cải cách đã chấm dứt việc cấm đoán kinh doanh cá thể của Việt Nam, công cuộc sau đó đã biến đường phố thành chợ. Nhìn lại sự phát triển đô thị ở Hà Nội, chúng ta thậm chí có thể nói rằng Nghị định 36-CP đã chia thời kỳ Đổi Mới ra làm hai giai đoạn. Trước 1995, đường phố là nơi để sống. Sau 1995, đường phố mới phục vụ cho việc đi lại.

Ở đây chẳng có gì lạ lùng cả : lịch sử bất cứ một con phố ở bất cứ thành phố nào đều có thể được viết theo cách này. Trong những thời kỳ nhất định, chức năng giao thông chiếm ưu thế, nhưng lúc khác, đường phố lại là sở hữu của những người sống và làm ăn ở đó. Do vậy, lịch sử của bất kỳ con phố nào cũng được hình thành bởi mối quan hệ giữa những người sống ở đó với người đi ngang qua, giữa người ở lại với người ra đi. Và thông qua sự căng thẳng giữa cái động và cái tĩnh mà con phố kể ra được hai câu chuyện. Một là câu chuyện về hoạt động của người sống trên con phố đó, phản ánh cuộc sống đô thị ở tầm vi mô. Câu chuyện kia là về những cuộc đi và đến, về người đi qua, với những câu hỏi của họ như ‘Anh từ đâu đến ?’ hay là ‘Anh đến đâu ?’ Việc đi lại nối con đường tới những điểm xuất phát và những điểm đích nằm đâu đó rất xa bên ngoài những giới hạn của thành phố, tới những câu chuyện lịch sử chứa đựng ý nghĩa sâu rộng hơn.

Với Đặng Phong thì ông đã không chọn bất cứ con phố nào để nghiên cứu. Lẽ ra ông có thể chọn Hàng Bạc hay Tràng Tiền, hoặc một con phố cổ khác của Hà Nội. Nếu ông chọn Hàng Bạc, chuyện kể của ông trước hết sẽ bàn tới nguồn gốc người dân ở đây, vốn là từ làng Châu Khê tỉnh Hải Dương.[4] Từ gốc gác đó, chúng ta sẽ lần theo những ngẫu nhiên trong cuộc đời người ở lại và người ra đi ở khắp vùng đồng bằng Bắc bộ. Chúng ta cũng sẽ đi khắp Việt Nam với câu chuyện của phố Tràng Tiền – để đuổi theo những đồng tiền vốn được đúc tại xưởng đúc tiền của triều đình nằm trên con phố này – rồi tới tận Nhà hát Lớn và những cửa hàng bách hóa Paris. Nhưng Đặng Phong đã chẳng chọn Hàng Bạc lẫn Tràng Tiền. Ông chọn Hàng Cỏ, tức là phố Lê Duẩn bây giờ.

Ngày nay phố Lê Duẩn có một dáng vẻ hết sức bình thường. Tất nhiên con phố rất dài. Nhưng nó chẳng có những kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền hay cái sôi động buôn bán như Hàng Bạc. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, đặc biệt là từ góc độ giao thông đi lại, con phố mang đầy ý nghĩa lịch sử. Vì sao nó lại được đặt tên của nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam ? Tại sao nó được gọi là đường Lê Duẩn mà không phải là phố Lê Duẩn, như tôi đã nói nhầm ở đoạn trên ? Bởi, tôi cho rằng, có lẽ con phố này là chặng đường đầu tiên trên con đường lớn xuyên suốt Việt Nam.

Phải chăng đây là ‘con đường Cái quan’ nổi tiếng của Việt Nam, mà trong những thế kỷ trước nối Thủ đô với các tỉnh phía Nam ? Dưới cái tên hành chính hiện đại – Quốc lộ 1 – giờ đây nó nối liền Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên mới cho ta thấy đây là con đường quan trọng nhất trong hai con đường giao thông huyết mạch trên đất nước này. Điểm mút phía bắc con đường là cổng chính vào Hoàng thành Thăng Long, trái tim chính trị một ngàn năm tuổi của Việt Nam. Bao nhiêu hành trình đã bắt đầu và kết thúc ở cổng thành này ? Như đối với một con đường huyết mạch khác, ga tàu hỏa cũng được xây dựng trên đường Lê Duẩn. Chẳng có biển báo hoặc tượng đài nào cho biết điều này, nhưng đường Lê Duẩn bao giờ cũng là cổng mở của Hà Nội về phía Nam đất nước. Và câu chuyện hướng Nam là khúc tráng ca của Việt Nam.

Những suy nghĩ này gợi ra trong tâm tưởng tôi về một trong những con đường lớn khác trên thế giới. Như đường Appia, bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Nó được mở rộng dần dần từ cổng thành Roma đến tận cảng phía nam Italia, Thành phố Brindisi. Tôi nhớ đến con đường này của Roma không phải để làm nổi bật sự tương đồng của nó với đường Lê Duẩn. Chẳng cần nói về vai trò của đường Appia trong cuộc bành trướng của Cộng hòa La Mã khắp Italia, của đế quốc La Mã ra khắp vùng Địa Trung Hải. Cũng chẳng để so sánh những thành tựu kỹ thuật, sự vận chuyển hàng hóa hay những cung cách đi lại trên hai con đường ấy. Appia xuất hiện trong tâm trí tôi bởi sự khác biệt thú vị giữa nó và đường Lê Duẩn. Ở vùng ngoại ô của các thành phố, người La Mã xây những ngôi mộ ngay bên đường.

Chẳng có ngôi mộ nào nằm dọc theo đường Lê Duẩn. Không có hàng chữ nào thúc giục sự sống nhớ về sự chết. Ở Việt Nam, hồi ức dẫn dắt ta theo những cách khác và tới những địa điểm khác. Nhưng mỗi tư liệu trong câu chuyện của Đặng Phong là một tấm bia kỷ niệm nhỏ đối với những cuộc đời bên đường và sự đi lại trên con đường ấy, đối với lịch sử Hà Nội, đối với miền Nam Việt Nam xa xôi. Mỗi tư liệu ấy níu kéo chúng ta, như dòng chữ đề trên ngôi mộ ở Rome. Khi đọc, chúng ta được nán lại một khoảnh khắc với cái đã ra đi. Để rồi chúng ta cũng lại tiếp tục cuộc hành trình.