Tác giả: Bình Nguyên Trang
Nhà xuất bản: Văn học
Giá bìa:35,000
Giá bán:35,000
Năm xuất bản: Quý II / 2012
Tập truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội là những trang văn như chắt ra từ chính cuộc sống đời thường. Không chọn những vấn đề to tát của cuộc sống, những số phận "tầm cỡ", Bình Nguyên Trang tìm đến những mảnh vụn bình dị của cuộc sống này, nhưng qua đó chị đã nói được rất nhiều. Nhân vật của Bình Nguyên Trang phần lớn là phụ nữ - những người phụ nữ bình thường xung quanh chị. Một cô Mây hoang mang đến hụt hơi vì tình trong Đời còn có nhau. ...
Tập truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội là những trang văn như chắt ra từ chính cuộc sống đời thường. Không chọn những vấn đề to tát của cuộc sống, những số phận "tầm cỡ", Bình Nguyên Trang tìm đến những mảnh vụn bình dị của cuộc sống này, nhưng qua đó chị đã nói được rất nhiều. Nhân vật của Bình Nguyên Trang phần lớn là phụ nữ - những người phụ nữ bình thường xung quanh chị. Một cô Mây hoang mang đến hụt hơi vì tình trong Đời còn có nhau. Một mợ Thanh bất hạnh trong Mợ Thanh. Ba người phụ nữ như ba thế giới khác biệt sống chung dưới một mái nhà trong Nhà có ba mẹ con. Một Huệ phảng phất hình bóng của những "chân dài" thực dụng thời bây giờ trong Huệ khôn ngoan của tôi. Một Châu xinh đẹp, tài hoa nhưng hồng nhan bạc phận trong Hương bồ kết. Một dì Lê âm thầm cưỡng lại số mệnh trong Mùa đom đóm mở hội… Nhưng dù họ là người thế nào, lương thiện, tử tế hay còn có những điểm này điểm khác xộc xệch, thiếu hụt, dưới cái nhìn nhân hậu của Bình Nguyên Trang, họ đều trở nên đầy đặn hơn, đẹp hơn, rất cần được thông cảm và chia sẻ…
Dù là chuyện gia đình hay tình yêu, cái kết của từng truyện trong tập truyện này luôn là kết thúc mở khiến người đọc day dứt, sau bao đau khổ, bất hạnh, con người luôn hướng đến ánh sáng của niềm vui và hạnh phúc. Đó chính là thông điệp mà Bình Nguyên Trang muốn gửi đến chúng ta qua những truyện ngắn của mình.
*** Đoạn trích:
Chiều chiều, dì Lê cầm cái giỏ không ra bến sông ngồi đợi. Mặt sông vàng vọt ánh sáng của ngày tàn. Dì chìa cái miệng giỏ ra phía cửa sông, đốt hương hú gọi hồn cái Gái về. Đêm xuống, dì Lê vẫn cứ ngồi bất động như bóng ma ở bờ sông. Ngôi nhà trống hoác của dì đom đóm rủ nhau về ở, trông xa như hội hoa đăng.
Ông ngoại tôi, từ đợt cái Gái mất cũng nằm liệt trên giường, bỏ cả rượu, bỏ cả thuốc lào. Nhà bà ngoại trở nên vắng vẻ, hoang lạnh. Tôi bắt đầu lo lắng, gọi điện lên thành phố nhờ bố tìm xem mẹ ở đâu để báo tin.
Mẹ tôi tất tưởi bỏ việc về thăm ông bà. Ông tôi mất ít ngày sau đó. Tối hôm trước ông còn ăn một vài thìa cháo mẹ tôi bón, vậy mà sáng hôm sau bà tôi vào thay quần áo cho ông đã thấy người ông lạnh ngắt. Đôi mắt ông mở trừng trừng, gương mặt co rúm lại như thể vừa qua một cơn đau vật vã. Ở tai ông rỉ ra một dòng máu đỏ đã khô lại. Bà và mẹ tôi vuốt mắt cho ông đều không được, đôi mắt ông cứ mở như thể đang day dứt. Chỉ đến khi người ta dìu dì Lê vào chỗ ông nằm, dì Lê chìa đôi tay xương xẩu ngang mặt ông, bấy giờ đôi mắt ông mới khép lại vĩnh viễn.
Ông ngoại tôi ra đi có thanh thản không? Tôi không biết. Tôi chỉ biết cầu mong cho ông thanh thản, bởi dì Lê đã tha thứ cho ông.
Bây giờ nhà ông ngoại chỉ còn lại bà tôi và dì Lê ở. Hai người phụ nữ với hai bát hương suốt ngày nghi ngút khói. Mẹ tôi về lại thành phố với công việc và cuộc đời riêng của mẹ. Còn tôi vẫn ở với bố, đi học cho nên người, theo cách mà bố vẫn nói, và mùa hè thì bố cho tôi về quê thăm bà, thăm dì Lê.
Riêng ngôi nhà sát bờ sông, dì Lê tôi để cho đom đóm về mở hội đêm đêm, bởi dì tin rằng trong muôn vàn đốm sáng nhỏ nhoi ấy, có Gái thân yêu của dì.
|