Tác giả: 0
Nhà xuất bản:
Giá bìa:0
Giá bán:0
Năm xuất bản: 0
Đầu năm, vô tình có ông thầy tướng xem chỉ tay bảo năm nay tháng 6 hao tài, tháng 12 lấy chồng nghe chưa. Bữa nay đang tháng 6, ngó quanh thấy có mỗi tiền điện hao hơn mấy tháng trước, đã vậy cuối tuần còn được đứa bạn đãi một bữa thịnh soạn
Đầu năm, vô tình có ông thầy tướng xem chỉ tay bảo năm nay tháng 6 hao tài, tháng 12 lấy chồng nghe chưa. Bữa nay đang tháng 6, ngó quanh thấy có mỗi tiền điện hao hơn mấy tháng trước, đã vậy cuối tuần còn được đứa bạn đãi một bữa thịnh soạn. Thấy sai sai vì nhỡ tháng 6 không đúng thì lấy gì đúng cho tháng 12. Vậy là nghĩ cách tiêu tiền, nhưng mà cũng phải “lừa thầy” cho hao tài mà có lãi. Chỉ có cách là mua sách về đọc, “lãi” kiến thức.
Mình lượn nhà sách một hồi rồi chọn mấy cuốn, trong đó có “Ông già trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của Jonas Jonasson. Đọc tiểu sử thấy bảo tác giả đang có công ty riêng mà áp lực quá, bỏ việc đi du lịch và viết sách. Cuốn này là đầu tay mà đã bán 8 triệu bản toàn cầu. Đã vậy, bìa sau còn trích một đánh giá hóm hỉnh “một sự giễu nhại quá ư xuất sắc về những lỗi lầm của nhân loại” (The Telegraph). Tính mình nhẹ dạ, thấy “mồi” là mua liền. Về đọc một mạch hai ngày cuối tuần, thấy bị “mồi” thật xứng đáng. Đây thực sự là một tiểu thuyết hay ở cả kết cấu, nội dung và phong văn với thông điệp rất ý nghĩa về cuộc sống – “cái gì đến sẽ đến”.
Jonas Jonasson đã dùng kết cấu đồng hiện, xen kẽ một chương về quá khứ và một chương về hiện tại để kể câu chuyện cuộc đời của ông già Allan Trăm tuổi thích phiêu lưu. Phần chuyện quá khứ kéo dài từ tuổi ấu thơ đến khi Allan còn đúng 1 tiếng nữa là đến tiệc sinh nhật 100 tuổi do Nhà Già tổ chức. Phần chuyện hiện tại bắt đầu từ khi Allan trèo qua cửa sổ Nhà Già và biến mất trong cuộc phiêu lưu cuối cuộc đời vừa có tính tội phạm vừa hài hước. Không hổ danh tác giả từng là một nhà tư vấn truyền thông, dùng kết cấu đồng hiện để đánh vào tâm lý tò mò của người đọc. Nếu truyện được kể theo một chiều thời gian tuyến tính thì hiệu ứng chắc hẳn sẽ không tốt bằng. Cái tài của Jonas Jonasson là đã thắt hai đầu mối của “chiếc bánh kẹp” một cách khéo léo để đầu cuối câu chuyện gặp nhau, phác họa một cách toàn vẹn cuộc đời và tính cách Allan.
Ông già Allan không chỉ sống qua một thế kỷ của thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, chiến tranh lạnh, thời kỳ quan hệ đa phương và thế giới phẳng hiện tại mà còn là nhân vật chính ít ỏi còn sót lại của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong từng thời kỳ. Do từng học môn Phân tích chính sách đối ngoại và hay xem phim về các sự kiện lịch sử (kiểu như Path to War kể về Tổng thống Lyndon B. Johson và chiến tranh Việt Nam), mình bị “nhiễm” cách phân tích chính sách đa chiều, đa góc cạnh khi đánh giá từng sự kiện và nhân vật. Vậy mà khi đọc ông già Trăm tuổi thì thấy mọi chuyện thật đơn giản và dễ hiểu, tất cả cũng chỉ là lỗi lầm ngớ ngẩn của con người và đều liên quan đến gã Thụy Điển Allan – bạn của các lãnh tụ Franco, Truman, Johnson, Nixon, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành; người từng qua mặt vợ của Tưởng Giới Thạch – Tống Mỹ Linh – và vỗ về cậu bé 10 tuổi Kim Chính Nhật; người từng đi qua 3 châu lục Á, Âu, Mỹ, thông thạo 5 thứ tiếng và từng vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn. À, và còn buồn cười hơn, ông già từng bị triệt sản ở tuổi 24 để hồi phục nhân phẩm, “đái không qua mũi giày” ở tuổi 100, lại cưới được vợ và “vẫn có khả năng làm điều mà cho đến nay ông chỉ thấy ở rạp chiếu phim” ở tuổi 101. Đến đây chỉ muốn buột miệng “chuyện gì mà nhảm thế”.
Ấy vậy mà đây lại không hề là một câu chuyện nhảm. Bạn sẽ phải căng não để kết nối các sự kiện và nhân vật. Sợi chỉ đỏ kết nối các móc xích đó chính là thông điệp về tinh thần lạc quan, hài hước, sẵn sàng đón nhận cuộc sống, điều mà ngay từ bé Allan đã được mẹ truyền dạy “cái gì đến sẽ đến”. Trước đây, mình đã bị thu hút khi đọc được thông điệp này trong cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của Dale Carnegie, cảm thấy đã ứng dụng khá nhiều để giúp bản thân vượt qua vài bế tắc của tuổi trẻ. Bằng cách kể hóm hỉnh và lém lỉnh, Jonas Jonasson đã mượn cuộc đời phiêu lưu phi thường, kịch tính của ông già Trăm tuổi để truyền thông điệp tương tự. Một cách vào lòng người thật ngọt. Mình cũng thích một vài thông điệp khác về học tập thông qua hai nhân vật Allan và Benny như hãy đầu tư học điều mình đam mê, học tập không ngừng bất kể tuổi tác và học chưa bao giờ là phí phạm. Hay thái độ và lòng chân thành của nhóm bạn Allan trong quan hệ xã hội; khi cởi mở, chân thành, biết khoan dung, độ lượng (và biết dùng rượu để kết bạn ^^) thì ai cũng có thể làm bạn, tội ác bị cảm hóa, tình yêu được thăng hoa.
Ngoài trừ mấy cảnh giết người như nghóe và việc gã tội phạm khét tiếng Ông Chủ đột nhiên thay đổi (thấy tâm lý và tính cách nhân vật này thay đổi nhanh quá, thiếu thống nhất) thì mình thấy mạch truyện khá trôi chảy và thú vị. Rót cuộc thì trăm tuổi là ở trải nghiệm chứ không phải những con số vô hồn tăng lên mỗi dịp sinh nhật cùng một cuộc đời cô đơn. Gấp cuốn sách lại mình nghĩ: vậy thì tháng 6 hay tháng 12 cũng chỉ là lời người ta nói thôi mà, người ta có sống cuộc đời của mình đâu. Cái gì đến sẽ đến, sống trọn vẹn mỗi ngày cái đã. Hehe.
Theo Linh Bùi - linhthubui.com
|