Miên không biết người đàn bà ấy đẹp hay xấu. Nhưng chắc là đẹp! Dáng người thanh thoát thế kia mà! Hồi vợ chồng Miên mới chuyển về đây, chưa gặp chị lần nào đã thấy xót xa... Gã chồng vừa chửi vừa đánh:“Mầy giấu tiền chi? Mầy còn muốn gì? Ăn ngon, mặc đẹp, mọi thứ trong nhà không thiếu, nhìn xem xung quanh có ai ở không, ăn trắng mặt trơn như mầy? Lại còn dám bòn tiền chợ? Gửi cho con mầy hay cho cha nó? Mà con mầy làm gì có cha? Đồ đĩ... Tiền tao làm bằng mồ hôi nước mắt để mầy phá à?”. Và kèm theo đó là tiếng thụi thụi, đầu đập vào tường cùng những tiếng gằn: “Qua mặt. Phá này. Lộng hành này”… Chắc chị đau lắm! Vậy mà không một lời kêu khóc, một tiếng rên la... Hàng xóm đứng ngoài cổng nhìn vào, gặp ánh nhìn lừ lừ, thách thức của gã, chẳng ai có ý định vào can... Nghe tiếng thằng bé vừa khóc vừa xin mà nao lòng: “Ba tha cho mẹ, đừng bắt mẹ quỳ nữa...”. Sao sống khổ sở vậy chị? Chuyện không phải của mình vẫn khiến Miên trằn trọc. Quân xót xa thở dài: “Thôi em, bớt đa mang đi. Mỗi người một số phận. Đừng trăn trở quá chỉ khổ thân...”. Ừ! Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Có giúp được gì cho người ta đâu mà đa cảm thêm nhọc thân giữa bộn bề cuộc sống này? Sao vẫn nhói lòng quá đỗi... * Miên chưa một lần nhìn rõ mặt chị, dù sống chung trong cùng một con hẻm nhỏ xíu của cái thị trấn bé tí như cây kẹo mút. Ngày trước người ta gọi nơi này là xóm Trại. Dân ngụ cư đến đây chiếm đất và dựng tạm lều trại để sống những ngày sơ tán. Giờ, nó thuộc thị trấn. Chỉ cách nhau khoảng vài trăm mét nhưng đi về phía nam, ra khỏi đường bê tông là bộ mặt của phố thị, còn đi ngược lại phía nhà Miên, lội qua suối lại là sự hoang vu, khô cằn của đất hoang và xa hơn nữa là cánh đồng rộng mênh mông. Nhà Miên chếch với nhà người đàn bà ấy không đầy trăm mét, mỗi ngày ít nhất bốn lượt đi về, vậy mà chưa bao giờ Miên thấy rõ mặt chị... Bước ra khỏi nhà, chị đội nón, ra khỏi ngõ có khăn che... Căn nhà chị thì giống một pháo đài nhỏ kiên cố để bảo vệ hơn là để sống. Gã chồng chị nghe nói đã bỏ cả khối tiền để xây dựng tường rào cổng ngõ bịt bùng, chỉ chừa vài lỗ nhỏ như để thông hơi, nhìn chả ra lối kiến trúc gì... Ở cái nơi còn đậm chất quê này thì căn nhà ấy hoàn toàn lạ lùng và biệt lập... Xung quanh hàng xóm nhiều nhà chỉ có mấy cây chè thưa để phân cách... Rất nhiều lần đi bộ ban đêm, ngang tường rào nhà chị, Miên đều cố tình ngó vào những lỗ nhỏ bằng nắm tay ấy, nhìn chị ngồi may vá quần áo, làn da trắng xanh xao, gương mặt hơi gầy... nhưng đường nét gương mặt thì chịu! Cứ mờ ảo, nhạt nhòa... Ánh điện sáng trưng mà như giữa khói sương... Lạ thật! Nào phải tại bộn bề, gấp gáp của cuộc sống nên mọi người lướt qua nhau... Mà vợ chồng Miên đã chuyển đến sống ở đây hơn năm trời chứ ít! Gương mặt mơ hồ ấy ám ảnh Miên trong cả những giấc mơ... * Chị thường bê thúng rác qua bãi đất trống bên kia suối đốt. Miên có lần tò mò đi theo, định lân la vài câu trò chuyện làm quen nhưng chỉ nhận được cái gật đầu không mặn mà lắm, đến khẩu trang che mặt cũng chẳng lấy xuống làm Miên ngại chả dám hỏi han gì nữa... Sau này thành lệ, Miên để ý thấy chiều nào chị cũng qua bên kia suối đổ rác, dù có lúc trong thúng chỉ lèo tèo mớ lá khô... Người trong xóm kháo nhau, gã chồng chị giàu kếch xù nhờ việc mua bán rắn độc, mua một bán mười, nhưng lại tính toán từng nghìn cho những việc chi li... Có lần Miên chứng kiến cảnh hắn đôi co còn hơn một mụ đàn bà lắm lời với người đi thu tiền rác hàng tháng chỉ vì mười nghìn đồng: “Nhà này không đăng ký đổ rác, có rác ra suối đổ, chẳng việc gì phải nộp tiền...” Miên chưa bao giờ lội bộ qua khu đất bên kia suối. Người sống trong hẻm nhỏ này cũng chẳng thấy ai sang. Suối cách nhà cô một mảnh vườn hoang, quanh năm cạn nước trừ mùa mưa lũ. Nghe Quân bảo bên đó là khu đất hoang rộng ngút ngàn của cặp vợ chồng trẻ nào đó đã bỏ xứ đi từ lâu. Cỏ dại mọc kín lối đi. Mấy bụi tre gai góc chằng chịt. Có thêm một cây hoa cổ thụ khá lớn mà hỏi chẳng ai biết tên. Cứ khoảng gần hè, cây lại trổ hoa. Ở nhà Miên trông sang rực rỡ một màu đỏ ối nhưng mùi của nó thì kinh khủng, cứ thum thủm như con gì chết. Mỗi lần hoa rộ đúng lúc gió nam là nhà Miên hứng trọn thứ mùi khó thở ấy cả tuần lễ. Vậy là Miên bặt ý định qua thử bên ấy... Giá có nhiều hoa dại đẹp chắc Miên cũng đã lội sang những chiều rỗi rãi... * Ở người đàn bà ấy có điều gì trông rất mong manh, dễ vỡ làm Miên hay nghĩ tới. Dẫu chưa một lần đối diện, chưa một lần nghe giọng nói của chị ngoài những cái gật đầu chào hỏi và ánh nhìn lạnh lùng nhưng Miên biết mình thương chị. Còn cái gã chồng thì cô lại ghét. Vừa ghét vừa tởm! Ngay từ ấn tượng đầu tiên và mấy lần gặp sau này cũng vậy... Ngày vợ chồng Miên dọn đồ đến ở có mời cả xóm sang dùng một bữa cơm ra mắt. Chị không đến. Chị chưa từng đến nhà ai từ ngày về đây làm vợ gã. Gã chồng thì có. Ăn uống xồm xoàm. Ánh nhìn khỉnh khỉnh. Khuôn mặt mập ú. Đôi tay dạng ra khệnh khạng. Dáng vẻ trịch thượng. Nụ cười nham nhở. Cả cái cách gã đến bên Miên cụng ly cũng thấy khả ố thế nào: “Cưới hỏi gì chưa mà dọn về ở chung? Hay là ở đâu kéo đến đây mua nhà sống chui? Nghệ sỹ mấy cô lắm khi nghĩ thấy sợ!” Nói xong gã cười hềnh hệch như tự thưởng cho câu dí dỏm của mình... Miên muốn đập cái ly vào khuôn mặt mập ú ấy may mà có Quân đến xuề xòa giúp cô tránh sang bàn bên cạnh... Vậy mà nụ cười nham nhở, nhầy nhụa với hàm răng cáu bẩn của gã ám ảnh Miên mất mấy tuần... Có lần đang kề cận chồng, chợt liên tưởng đến những cái răng vàng xỉn, dơ dáy Miên lại buồn nôn, nụ hôn cũng nhạt thếch tự lúc nào khiến Quân hiểu lầm thở dài quay mặt vào tường... Miên thường dậy sớm đi bộ vào buổi sáng sớm. Phía trước cổng, gã chắc chắn nhìn thấy Miên, vậy mà vẫn điềm nhiên đứng làm cái việc lẽ ra phải vào nhà vệ sinh. Chỉ cách cái cổng sắt và mấy bước chân, cô xấu hổ quay lưng nhưng thứ âm thanh xồ xồ vẫn còn vọng lại. Lần khác, Miên nghe gã chửi vợ khi thấy chị sẵn tay dọn dẹp luôn đọạn đường bê tông phía nhà hàng xóm: “Mầy rảnh chắc? Đi dô, ai biểu quét dùm, rảnh dô nhà ngủ cho mập thây còn được việc hơn”. Chị lẳng lặng nghe theo không một tiếng nhỏ to... Miên bất bình đứng trố mắt nhìn, gã chỉ đáp lại bằng cái nhếch mép miệt thị, ánh mắt như muốn nhắc:“Việc gì đến nhà cô, cô họa sỹ dở hơi”. Miên vẫn cố nhìn vào trong nhà, hình như qua làn kính mờ đục có ánh mắt dõi theo đồng cảm... * Nghe đâu gã cũng yêu vợ con lắm! Yêu theo cách của gã. Chuyện chợ búa, mua sắm trong nhà, gã gần như lo tất. Hàng xóm nhiều người xuýt xoa: "Vợ thằng Đô may mắn thiệt nghen! Không phải bươn chải lại được thảnh thơi ăn sung mặc sướng". Thằng con riêng với vợ trước học lớp 10. Muốn gì được đấy! Nhưng gã nói là phải nghe. Nửa lời đáp trả chỉ có chết. Gã không đánh mà cột treo lên xà nhà... Chị và thằng bé sau - con chị với gã - cũng được yêu theo kiểu ấy... Mỗi lần trúng một vụ rắn, gã mua về hàng loạt quần áo, đồ ăn bổ dưỡng... Những thứ mà công nhân viên chức như Miên chỉ dám đụng tới khi nào con đau ốm... Nhà gã những ngày ấy tràn ngập tiếng cười, tiếng nhạc ầm ĩ của thằng lớn, tiếng bi bô của thằng bé và to nhất là tiếng cười nói của gã, tuyệt chẳng nghe nửa lời của chị. Mặc gã oang oang: “Mẹ Tý thay tiếp bộ này coi. Đẹp! Đẹp lắm! Rồi, bộ này nữa. Đấy, cứ diện vào là mướt mát ngay, nhìn sướng con mắt. Mẹ, bọn gái Đèo Nhông cũng chỉ có bôi son trát phấn cùng mấy bộ đồ hở hang là hơn thôi. Đẹp cứt gì!” Thỉnh thoảng gã đi chơi gái. Mỗi lần về, chệnh choạng say từ đầu ngõ: “Khốn kiếp! Bọn điếm chỉ vòi tiền là giỏi. Đĩ chết bà! Mấy thằng bạn hàng chết tiệt! Làm ông mất mấy chai!”. Lặng nghe xem có tiếng trách móc, hay ít thì cũng than thân trách phận... Mà hình như cả những ấm ức thầm cũng không... Miên hay có ý nghĩ, chị như là con ở, một con ở được ăn ngon, mặc đẹp, phải lên giường và sinh con cho gã. Có tối, không ngủ được, Miên kéo Quân dạo bộ dọc con hẻm nhỏ. Chưa tới 10 giờ mà xóm đã vắng tanh... Đến gần nhà chị, Miên nghe rất rõ tiếng thở hổn hển, tiếng cào cấu, tiếng quần áo bị xé toạt, tiếng kêu rên khoái lạc, và những âm thanh hùng hục đầy thô bạo của gã chồng... Quân vội vàng kéo tay cô quay về. Nhà gã sát đường, căn phòng phía sau thằng con lớn còn chong điện để học bài... Không dưng lại nghĩ thương chị. Chắc đang quay mặt vào tường cho nước mắt lặng lẽ rơi... * Một lần hiếm hoi Miên gặp chị đi chợ (lâu nay gã chồng tự đi hoặc nhờ người quen bán hàng ở chợ mua, thằng con lớn ra xách về). Có lẽ hôm ấy gã đau.“Chị đi chợ sớm thế?”. Lặng lẽ, gật đầu: “Vâng, chào cô”, giọng Bắc rất nhẹ và ấm. Thoáng trong mắt chị chút ngập ngừng như là muốn được sẻ chia. Rồi thôi. Chỉ thêm một cái gật chào lịch sự. Chị mất hút giữa đám người ồn ào. Đông đúc thế này mà!... Dáng chị lạc lõng cùng giỏ thức ăn đầy ắp... Thôi, ít ra chị không khổ vì phải bon chen... Người như chị có thể nào bon chen? Cái ý định lấy chị làm cảm hứng cho bức chân dung “Người Đàn Bà Khóc” cứ thôi thúc mấy lần vẫn không thành. Chiều, Miên ôm giá vẽ ra ngoài vườn. Định ghi lại một cái gì đó về người đàn bà luôn khiến cô trăn trở. Ý tưởng có sẵn trong đầu. Đường nét cũng định hình. Mà mãi chẳng khắc họa được gương mặt. Biết chẳng tập trung gì được đành lang thang... * - Chị Hoài không phải người ở mình hả bác Tư? - Nó ở tận ngoài Bắc lận. Nghe đâu hồi mới lớn hư đốn thế nào không chồng mà chửa, có đứa con gái riêng bảy, tám tuổi rồi. Gửi lại cho ông bà ngoại nuôi. - Chị ấy có hay về thăm nó không bác? - Dễ mà đi với thằng Đô Rắn. Với lại tiền đâu mà đi. Ăn sung, mặc sướng nhưng tiền thì thằng chồng giữ rịt. Một ngàn cũng không... - Làm sao người như chị mà lại gặp gã nhỉ? - Gặp gỡ gì! Ba con Hoài là bạn hàng bán rắn cho thằng Đô. Thấy thằng này vợ chết, con gái mình thì lỡ làng nên đẩy đi luôn chứ cưới hỏi gì đâu. Sợ ê mặt! Mà hồi trước tay này cũng nghèo xơ xác. Vợ trước chết vì không có tiền thuốc men đầy đủ, bỏ lại nó với thằng cu lớn bây giờ đó. Gặp con này hạp tuổi hay sao mà mua bán thấy phất quá trời! - Thấy chị sống khổ sở quá bác? - Không phải lăn lộn kiếm sống là còn sướng chán chứ khổ sở gì cô ơi! * Dạo này gã chồng mang rắn sang tận biên giới cho bạn hàng mới. Những buổi chiều bên kia bờ suối của chị dài hơn. Miên cũng đã xin nghỉ phép năm cùng Quân về quê mấy tuần. Căn nhà im ỉm khóa cửa nhờ bác Tư trông coi hộ... Đường sang bên kia suối càng thêm vắng vẻ... * Ngày Miên quay về con hẻm nhỏ lại phải chứng kiến một cảnh rất đau lòng, đau như chính mình bị chà đạp... Gã chồng lôi chị ra giữa sân, cầm kéo cắt bộ đồ trên người chị từng nhát, từng nhát... vừa cắt vừa nghiến răng chì chiết, lăn nhục: “Nó có gì mà tao không có. Đồ đĩ. Mầy thèm lắm sao? Mầy nằm với nó mấy lần? Ở đâu? Trong nhà tao hay ngoài suối?...” và kèm theo là những ngôn từ thô tục không thể nghe được. Chị rũ rượi giữa sân, tả tơi, xơ xác... không thoát được bàn tay thô bạo của gã để chạy đến với thằng bé đang khiếp đảm vì sợ... Vĩnh viễn cả Miên và những người trong con hẻm nhỏ không bao giờ biết được đúng hay không những lời thóa mạ của gã... Rằng bắt được chị tằng tịu với một người hàng rong... Rằng người đàn ông đó đã mấy lần ghé đến nhà chị lúc gã chồng còn ở tận vùng biên giới xa xôi... Rằng đó chính là người cũ đã bao năm lưu lạc của chị... Bà Tư thì cam đoan thấy rõ ràng ánh mắt chị biết cười, long lanh như người đang yêu khi đi đổ rác một buổi chiều. Cô Tám ve chai thì nói như đinh đóng cột rằng nghe chị hát khe khẽ khi đang dọn quét trong sân... Miên không biết, không biết một chút gì cả trong mấy tuần nghỉ phép... Chỉ biết rất rõ ràng về nỗi đau mà chị đang phải oằn mình nhận lấy... Cả đám người hiếu kỳ, kẻ cười người thương cũng chẳng xông vào được vì gã khóa cổng thật chặt... Đến khi Quân và mấy người hàng xóm dọa báo chính quyền đến gã mới chịu buông tay... Trên người chị đã chẳng còn một mảnh vải che thân... Miên không thể quên được gương mặt chị lúc ấy... Đau đớn, tái tê, nhẫn nhục, cam chịu ... Lần đầu tiên nhìn rõ mặt chị là thế này đây! * Rất nhiều đêm đang ngủ chợt choàng tỉnh bởi thân hình nằm bẹp trước sân quằn quại, đớn đau, ê chề... Miên lay chồng: “Em lo chị ấy không chịu đựng nổi...” Nằm xuống rồi mà nỗi sợ mơ hồ vẫn len lỏi... Chị sang bên kia suối, Miên trông thấy chị, lướt qua Miên, rất nhẹ nhàng. Ơ! Sao chị chẳng nói năng chi? Không cả cái gật nhẹ như vẫn thường. Lẽ nào không thấy Miên? “Mà tối thế này, làm gì bên ấy chị ơi?” Miên đuổi theo, đuổi theo… “Chờ em với!” Chị vẫn cứ lướt đi. Nhanh quá! Miên không theo kịp rồi! Chị đến bên gốc hoa cổ thụ… À! Miên hiểu rồi. Sự quạnh quẽ và mô đất cao dưới gốc cây cùng chị hoài niệm về những tháng ngày xa lơ xa lắc chứ gì? Nơi ấy có cha mẹ chị, có những ký ức tuổi thơ, có khúc ruột chị buộc lòng rứt bỏ từ khi nó chỉ mới bập bẹ tiếng: Mẹ... Mẹ... và có cả một nỗi đau của thời con gái... Chị không thể quên được dù vì nó mà chị phải bỏ xứ thế này, đúng không? Sao chị không về mà thăm, cứ u uẩn mãi trong lòng làm gì? Có ai sẻ chia cùng chị… Thằng cu lên năm chỉ là lý do để chị tồn tại nơi này, nhưng chắc chắn lại làm chị quặn lòng vì một núm ruột khác đang lẻ loi... Ơ! Sao chị lại thở dài? Chị khóc ư? Chị nhớ con bé, nhớ dại người? Nó thế nào rồi? Gầy rộc? Ngơ ngác? Mà làm sao chị hình dung được mặt mũi nó? Bảy năm trời chứ ít! Thảng thốt! Hớt hải! Ôm chầm! Chỉ chạm phải lồng ngực cùng với nỗi đau... Chọn đứa nào, bỏ đứa nào? Chị tính không ra? Cuộc đời thật lắm nỗi bi ai! “Kìa, đi đâu thế, chị ơi? Sao không nói chuyện cùng em? Đợi em đã!” Ôi! Vực đâu thế này? Vực thẳm sâu hun hút… Miên chưa bao giờ nghe Quân bảo bên kia suối có vực sâu kia mà! “Không được! Chị ơi! Ngừng lại đi!" Em kêu to thế mà, chị không nghe sao? “Ngừng lại đi! Đừng! Rơi xuống bây giờ. Chị ơi!” - Miên! Miên! Sao thế em? Em gặp ác mộng à? - Chị ấy rơi xuống vực rồi anh ơi! Sâu, sâu lắm! Chị ấy chết mất! - Vực nào? Miên. Dậy đi em. Sốt cao thế này! Giật mình. Choàng tỉnh. Mồ hôi ướt đẫm… * Chiều, đang ở cơ quan, tự nhiên Miên bồn chồn, ruột gan nóng như lửa đốt, cứ nghĩ đến giấc mơ đêm qua... Gấp vội vàng mấy giấy tờ quan trọng, vội vã xin về sớm... Không kịp nữa rồi... Bác Tư hớt hải chạy đến khi Miên vừa tới đầu ngõ: “Con Hoài tự vẫn rồi cô ơi! Nó treo cổ ngoài suối...” Miên khụy người ... Có phải là sự giải thoát không hả chị? Gã chồng gục đầu nơi gốc hoa cổ thụ. Ân hận? Đớn đau? * Tiễn đưa chị một chiều mưa lạnh lẽo. Vài người họ hàng, Miên và bà con trong con hẻm nhỏ. Con bé mà chị luôn day dứt vì đã bỏ rơi cũng kịp vào. Dậy mà ôm nó vào lòng đi chị! Vành khăn trắng che phủ gương mặt gầy guộc của bé chị thấy không? Nghe như có tiếng thở dài lặng lẽ thoảng trong mưa... Khu đất phía bên kia suối càng thêm hiu quạnh. Người trong xóm chặt cây hoa lạ đốt theo chị nhân ngày cúng tuần... Không chịu nổi tiếng thở dài và ánh mắt ngẩn ngơ của vợ những chiều làm về, tranh thủ mấy ngày nghỉ, Quân gọi thợ đến xây cao bức tường phía suối. Từ vườn nhà Miên nhìn qua không còn thấy cái màu đỏ ối mỗi độ hè sang.... Miên ngày vẫn bốn lượt đi về trên con hẻm nhỏ... Bức chân dung “Người Đàn Bà Khóc” nằm lăn lóc, dở dang... Lưu Thị Mười
|