(Dân trí) Ban tổ chức chương trình cho biết Ngày hội đọc sách diễn ra trong hai ngày, 21-22/4 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội và có nhiều chương trình mới hấp dẫn hơn như xây dựng góc thư viện, xe ô tô thư viện lưu động, hoạt động giao lưu trình diễn văn thơ…
Sáng nay, ngày 17/4 tại Bộ VHTT&DL Hà Nội diễn ra cuộc họp báo về Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2012 với nhiều nội dung xoay quanh sự kiện nhằm tôn vinh văn hóa đọc này.
Theo thông báo từ phía Ban tổ chức, nhằm tiếp nối thành công Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc các năm trước, năm nay Ngày hội vẫn diễn ra tại Trung tâm hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
Hình ảnh tại cuộc họp báo Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc sáng ngày 17/4 (Ảnh: A Linh)
Lễ khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra trọng thể với các nghi lễ Dân hương tại Đền thờ Chu Văn An, tiếng trống khai hội của Lãnh đạo Bộ VHTT&DL với thông điệp của UNESCO về Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 năm nay và thả bóng bay mang theo thông điệp của Ngày hội – Đọc sách cho ngày mai, vì một ngày tươi sáng, đọc sách cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Phó BTC Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2012 cho biết, Ngày hội được tổ chức với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều tổ chức như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở VHTT&DL Hà Nội…
Ngày hội tôn vinh văn hóa đọc được Bộ VHTT&DL trực tiếp phát động và chủ trì hướng tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên – học sinh, sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai cũng nhấn mạnh các hoạt động được tổ chức trong Ngày hội nhằm khuyến khích, tôn vinh văn hóa đọc như: Trình diễn thơ và văn xuôi của các tác giả; Chương trình giao lưu, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn thơ; Thi xếp sách nghệ thuật của các NXB; Thi tuyên truyền giới thiệu sách của thiếu nhi, của sinh viên ngành thư viện và cán bộ thư viện; Thi vẽ tranh theo sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi; Thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo; Thi đọc và viết thu hoạch về cuốn sách yêu thích; Triển lãm sách đương đại cùng với việc bán sách giá ưu đãi, đặc biệt triển lãm những tài liệu quý hiếm – di sản văn hóa thành văn của dân tộc hiện đang lưu giữ trong các thư viện.
Theo bà Mai, việc xây dựng góc thư viện, với xe ô tô thư viện lưu động dành cho các em học sinh tới tham dự Ngày hội; Chương trình quyên góp sách để góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới; Chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề bài ca nghề thư viện cùng với các trò chơi dân gian, vẽ tranh tự do, thư pháp… là những chương trình mới hấp dẫn hơn so với các năm trước.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ về ý nghĩa Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc (Ảnh: A Linh) Trong các hoạt động của Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2012, hoạt động được kỳ vọng hấp dẫn thu hút khán giả trẻ nhất là phần trình diễn và giao lưu của chính các nhà văn, nhà thơ tại sân khấu chính sáng ngày 21/4 tại Văn Miếu.
Đại diện cho ban nhà văn trẻ, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ chị và các đồng nghiệp đang nỗ lực tập luyện cùng các nghệ sĩ để có chương trình hấp dẫn dành cho khán giả. Cũng tại buổi họp báo, tác giả cuốn tiểu thuyết Tường thành mong mỏi giới truyền thông đóng góp tiếng nói đẩy mạnh việc khuyến khích văn hóa đọc trong giới trẻ.
Ban tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc cũng đồng thời tiết lộ, danh sách khách mời tham gia chương trình giao lưu, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn hóa với công chúng đó là: ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ – Quốc hội khóa XII; ông Chu Hảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ; bà Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn Nghệ - Ban Tuyên giáo TW; ông Nguyễn Quang Thiều, nhà văn – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền; ông Vũ Quần Phương, nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nguyễn Hằng