Sự hài hước làm vỏ bọc bên ngoài cho một văn phong chua chát, khiến từng dòng trong tiểu thuyết "Cọp trắng" làm người đọc giận dữ trước sự bất công của xã hội.
Tên sách: Cọp Trắng Tác giả: Aravind Adiga NXB Trẻ, DTBooks, 2009 Trong lời giới thiệu sách, dịch giả trẻ Thi Trúc viết "Cọp trắng" xứng đáng với giải thưởng (Man Booker 2008) vì câu chuyện gai góc hấp dẫn khiến người đọc khó lòng bỏ sách xuống cho đến trang cuối cùng, chứ không phải vì sự quan tâm ngày càng tăng của giải thưởng phương Tây đối với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Ấn Độ!". Đúng như lời nhận xét này, ngay từ những dòng đầu tiên, cuốn sách gây ấn tượng với tiết tấu nhanh, gọn, dứt khoát. Văn phong của tác giả bộc lộ chủ ý dùng sự hài hước như một "công cụ" hiệu quả để khơi những tầng sâu trong câu chuyện một doanh nhân kể lại thành tựu đời mình cùng quá khứ đen tối qua một lá thư dài. Đối tượng lá thư nhắm đến là Thủ tướng Ôn Gia Bảo ở Trung Quốc. | Bìa cuốn "Cọp trắng". |
Dù chỉ có 7 ngày đêm để viết thư cho Ôn Gia Bảo, nhân vật Balram Halwai, doanh nhân thành đạt ở Bangalore (Ấn Độ) đã đủ thời gian để hồi tưởng toàn bộ cuộc đời mình. Đó là cuộc đời của một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo tại một làng quê nghèo, và gia đình ấy nằm trong góc xã hội rộng lớn mà xung quanh toàn là người nghèo. Chỉ bằng cách miêu tả khung xương gầy gò của người cha làm nghề phu kéo xe, đám tang người mẹ trong không khí u mê, sông Hằng linh thiêng dậy mùi xú uế... nhà văn đã thành công trong nỗ lực giúp độc giả hiểu sâu sắc chữ "nghèo đói" và "ngu dốt" vây bủa những con người trong xã hội phân biệt giai cấp diễn ra như thế nào. Trong môi trường như thế, khi lớn lên cuộc đời Balram Halwai được mặc định trở thành người phụ việc trong quán trà, một kẻ làm thuê... Và số phận dường như "mỉm cười" với Balram khi anh nhận được công việc là tài xế riêng trong một gia đình thượng lưu. Từ chỗ là kẻ luôn phục tùng và yêu thương ông chủ mình như cha mẹ, Balram dần thay đổi hoàn toàn thành một con người khác. Thông qua cuộc đời của Balram Halwai, Cọp trắng vạch nên một xã hội Ấn Độ đương đại được phân chia thành "Ấn Độ của ánh sáng" nơi tồn tại của uy quyền và giàu sang; cùng "Ấn Độ của bóng tối", nơi có "Chuồng gà" giam hãm những con người mang phẩm chất mặc định là chỉ biết tuân phục. Cũng thông qua nhân vật này, tiếng nói của sự phản kháng và hồi chuông báo động về sự thối nát của xã hội được gióng lên mạnh mẽ. Sự thay đổi bản chất con người của Balram là lời cảnh báo quyết liệt về cho một kết cục không có hậu, tồn tại ở một xã hội mà quyền lực, của cải lại bị thao túng và trao vào tay một nhóm người nhất định. Với kết cấu tiểu thuyết thông minh, ngôn từ sáng tạo, Cọp trắng lôi cuốn người đọc vào hành trình trở thành một tội phạm bị truy nã, tên sát nhân lạnh lùng đầy toan tính của nhân vật chính trong tiểu thuyết. Điểm đặc biệt là, thay vì mang đến cảm giác ghê sợ trước tội ác, tác giả có thể làm người đọc hiểu và cảm thông cho động cơ phạm tội của người làm thuê. Giọng văn giễu nhại đã "mềm hóa" các chi tiết khốc liệt và khắc sâu thêm tư tưởng mà Adiga thể hiện qua tác phẩm của mình.
Theo vnexpress.
Mời bạn xem chi tiết tại đây
|