Hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tập "Thơ tình Hà Nội" do Cty Truyền thông Sơn Ca tài trợ, NXB Trẻ phối hợp xuất bản vừa ra mắt bạn yêu thơ.
Tập "Thơ tình Hà Nội" được tuyển chọn 100 bài thơ của 100 tác giả thuộc các thế hệ khác nhau. Với quan niệm chỉ có thơ hay chứ không có tác giả "lớn" và "nhỏ" - tuyển tập được coi là chiếu thơ quy tụ nhiều tâm hồn tri âm. Dù ở tuổi đời và tuổi nghề khác nhau, nhưng các cây bút trong tập thơ này đều có chung một điểm là tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội. Nhà thơ Lê Minh Quốc, người chủ trì biên soạn toàn bộ tập sách đã nói: "Có những vùng đất dù chưa đặt chân đến, nhưng chỉ cần nghe gọi tên địa danh ấy, bỗng nhiên ta thấy dạt dào một niềm cảm xúc và dành cho nó nhiều tình cảm trìu mến. Hà Nội là một trong những địa danh có sức ám ảnh lạ thường. Dù chưa làm một cuộc thống kê, nhưng chúng tôi tin rằng, Hà Nội đã đi vào thơ ca nhiều nhất. Từ cổ chí kim, hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều có thơ về Hà Nội. Trước đây, bây giờ và mãi sau này, Hà Nội vẫn là một nguồn cảm hứng vô tận của các thi sĩ" và "chắc chắn đây sẽ là một món ăn tinh thần đặc sắc cho những người yêu thi ca, bởi lẽ ngay từ khâu tuyển lựa, chúng tôi đã rất cẩn trọng và cố gắng, con số 100 từ hơn 1.000 bài thơ gửi cho nhóm biên soạn phần nào nói lên sự nhiệt tình, tình yêu thơ của các tác giả cũng như chất lượng thơ được chọn". Tình yêu Hà Nội trong thơ Phạm Sỹ Đại gắn liền với tình yêu đôi lứa, bâng khuâng chút mộng đầu đời: "Anh đi cùng em trong đêm Hà Nội/ Trời đầy hương. Đất đầy hoa/ Dọc đường xanh những vòm cây mát rượi/ Ta bên nhau trong ánh điện sáng loà" (bài "Hạnh phúc"). Có địa danh của Hà Nội: Nghi Tàm, hồ Gươm... bản thân nó đã đẹp như thơ, đặt trong vần thơ lại nhiều lần đẹp và thân thương hơn nữa: "...Hồ xanh buồm lộng gió lùa/ Thuyền xưa về lại bến xưa... Nghi Tàm/ Trông lên nắng đã phai vàng/ Nhìn về Quảng Bá chiều đang xuống dần" ("Chiều đông Quảng Bá" của tác giả Gia Dũng). Bên cạnh tình yêu đôi lứa, thơ tình Hà Nội còn gắn với niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của mảnh đất này: "Long Biên, Tháng 7. Trăng tròn bóng/ Sông Hồng dè sẻn gió sang ngang/ Trận địa bên cầu thao thức sóng/ Mâm pháo cuồng đêm vợi ánh vàng" (bài thơ "Long Biên... Long Biên" của Đỗ Quý Bông). Nhà thơ Vũ Quần Phương thì lại tỏ ra trăn trở nỗi niềm thế sự: "Nhớ gì như nhớ vô tâm/ Nửa ôm thế sự nửa cầm chiêm bao". Với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, việc tham gia một tập thơ có sự góp mặt của nhiều nhà thơ trẻ là một sự hội ngộ thú vị. "Đã là nhà thơ, ai chả viết thơ tình, chỉ có điều, thế hệ chúng tôi, thơ gắn với đời sống chiến đấu "tiếng hát át tiếng bom", nên không có nhiều cơ hội được quảng bá những bài thơ tình đã viết. Ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều cách để đưa thơ, đặc biệt thơ tình của mình đến với độc giả. Đây cũng là một sự thuận lợi đáng mừng để nâng cao vị thế của thơ trong đời sống. Đặc biệt, trong tập "Thơ tình Hà Nội" đã có sự gặp mặt của nhiều thế hệ như một sự tiếp nối đáng ghi nhận".
Theo Laodong
|