Vừa làm việc vất vả kiếm sống, vừa cưu mang chăm sóc người bất hạnh và bốn đứa con nuôi nhưng chị Trương Thị Hồng Tâm (Tâm sida) đã nhín nhúc thời giờ trong khoảng tám năm để viết hồi ký đời mình, quyểnHồi ký Tâm sida - Vượt lên cái chết. Không nhiều chữ nghĩa, chỉ học đến lớp 10, chị viết không phải để làm văn, tạo ra tên tuổi mà như là phương cách bộc bạch với cuộc đời, chia sẻ kinh nghiệm, nghị lực với những người đồng cảnh.
Vào đời từ bảy tuổi
Chị vào đời từ lúc còn là đứa bé bảy tuổi, phải đi ăn cắp cơm nguội ở các nhà hàng xóm về nuôi ba đứa em đói khát, có đứa còn ẵm ngửa vì cha mẹ thường bỏ nhà đi hàng tháng trời. Từ đó là những chuỗi ngày khao khát tình thương cha mẹ, hơi ấm gia đình, sống khổ ải bị đánh đập, đói khát, đày ải, lạm dụng. 14 tuổi, cô bé bất hạnh rơi vào ăn chơi, hút chích, sống kiếp giang hồ với sự thù hận con người trong lòng. Càng lúc Tâm sida càng chìm vào hố sâu đen đủi, đau đớn về tâm hồn, thân xác bị chà đạp, không biết bao nhiêu lần bị bắt và trốn trại cai nghiện, trường phục hồi nhân phẩm.
Năm 1992, 37 tuổi, chị gặp được những bạn trẻ làm công tác xã hội quan tâm đến chị, giúp chị hoàn lương. Bất chấp chị chửi rủa, xua đuổi, họ cứ lặng lẽ tìm đến chị hết lần này đến lần khác như một người bạn để chuyện trò, hỏi han, khi mời gói thuốc, lúc ly cà phê, thậm chí giúp tiền mà chẳng đòi hỏi điều gì. Với một gái giang hồ như chị, mọi đồng tiền từ son phấn hằng đêm, bộ đồ đang mặc, chiếc chiếu ngủ lề đường, ca nước đánh răng mỗi sáng… đều là tiền cho vay tính lãi thì những nghĩa cử ấy, sự đối xử tôn trọng ấy thật cảm động. Nhờ tình thương, nhờ lòng tin vào những người bạn này mà chị Tâm trở thành một giáo dục viên đồng đẳng, tuyên truyền những kiến thức về phòng tránh HIV và bệnh lây qua đường tình dục cho gái mại dâm, người nghiện và trẻ em đường phố. Thời gian đầu lương chưa có, không có tiền, đến giờ cơm, mọi người rủ đi ăn, chị ôm bụng đói ngồi nhà, bảo mình ăn rồi. Nhưng những người bạn mới mua về cho chị một hộp cơm. Rồi họ hùn hạp mua cho chị một chiếc xe đạp cà tàng làm phương tiện đi lại. Không có chỗ ở, bạn lại che chắn, giấu lãnh đạo, làm ngơ để Tâm sida lẻn vào văn phòng của đội công tác xã hội ngủ lại, sáng sớm lại chuồn ra. Khó khăn, thiếu đói, nhiều lần máu giang hồ trỗi dậy, chị muốn bán chiếc xe đạp rồi trốn đi. Nhưng trốn đi thì tình thương của những người bạn mới luôn khiến chị day dứt, không muốn phụ lòng họ, chị quyết chí ở lại.
Chị Tâm sida (người ôm hoa) trong vòng tay những người bạn làm công tác xã hội từng giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi với mình. Ảnh: HÒA BÌNH
Chiến thắng nghịch cảnh
Công việc của Tâm sida đưa người đọc tiếp cận với trẻ thất học, làm ma cô cho chính mẹ chúng; những bà mẹ trẻ vướng HIV không cách nào kiếm tiền nuôi con. Đồng lương mấy trăm đồng mỗi tháng không đủ nuôi thân, chị Tâm lại dang tay san sẻ cho những con người bất hạnh. Khi thì lo vốn cho họ buôn bán, lúc giúp tiền thuốc thang bệnh tật… Song làm người tốt thật khó. Biết bao lần nhân vật Tâm sida đứng trước sự nghi kỵ, soi mói của người đời; hay đau đớn trước sự phản trắc của những đối tượng mình từng dang tay giúp đỡ. Không ít lần chị bị chính những đứa trẻ chị chăm sóc khi mẹ chúng mất vì AIDS vu cáo đã lấy tiền của chúng. Lại có người đồng đẳng với chị vì nghiện hút trở lại quay sang lôi kéo những đứa trẻ khác hút chích rồi tố cáo chị lên cấp trên.
Bây giờ, khi quyển sách đã ra đời, thử thách vẫn luôn hiện diện trước mặt chị trong hành trình làm người tốt. Ba năm nay, mang trong người căn bệnh nan y, chị vẫn tất bật vừa đi làm công tác xã hội, vừa đi làm osin. Thu nhập vài triệuđồng chị phải trả tiền thuê nhà, xoay xở đời sống cho chị và bốn con nuôi, trong đó có đến ba cháu nhiễm HIV, một đứa bị lao, có bệnh tim. Vừa vất vả kiếm tiền, vừa cực nhọc nuôi con, mỗi ngày chợ búa nấu nướng, giặt cả thau đồ vì sức khỏe bọn nhỏ rất yếu chị vẫn cố gắng đưa đón con đi học đúng giờ, vẫn không để chúng thiếu thốn, thua kém chúng bạn. Quần áo chị mặc đều là những thứ đi xin về nhưng với các con, chị mua cho chúng quần áo đẹp, mới. Bởi chị sợ các con mình, những đứa trẻ kia, cũng bất hạnh, cũng mòn mỏi vì khao khát tình thương, thiếu hơi ấm gia đình như mình.
Bây giờ, ở tuổi 57, năm mẹ convẫn ở nhà thuê tạiquận Gò Vấp, công việc, thu nhập vẫn bấp bênh. Có thể ra đi bất cứ lúc nào, chị Tâm sida luôn mang trong mình một nỗi lo về mái nhà cho các con sau này.
Thật đáng tiếc là đến nay chị Trương Thị Hồng Tâm vẫn không có được một chứng minh nhân dân. Với tình trạng sức khỏe của chị Tâm hiện nay, xã hội hẳn sẽ nợ chị một món nợ không thể trả nếu chị vẫn chưa thể là một công dân chính thức.
Từ chuyện đời thực - qua lời kể chân thành của Tâm - nhiều khi làm cho chúng ta phải lặng người, phải giật mình, sửng sốt… Như một nhắn gửi, một cảnh báo. Đọc, thấy rưng rưng… Tôi nghĩ như có cái gì đó - một cái “nghiệp” - đã thúc đẩy Tâm tự đem thân mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tối tăm, nghiệt ngã. BS Đỗ Hồng Ngọc,nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM. |
HÒA BÌNH
Nguồn tin: http://phapluattp.vn/20120317014934629p0c1015/nguoi-me-vuot-len-cai-chet.htm