Và đây chính là lý do tôi quyết không bỏ cuộc. Tôi muốn các em có một “mái nhà”, được có giây phút sống trong không khí gia đình dẫu rằng cuộc đời của các em ngắn ngủi. Vì thế, tôi vẫn và sẽ tiếp tục công việc này, tiếp tục nuôi dạy những đứa trẻ bị AIDS và mồ côi vì AIDS. Xã hội đã dang rộng vòng tay bảo bọc tôi, tôi không có gì để đền đáp ơn nghĩa ấy. Tôi chỉ biết là mình phải cố gắng làm tốt công việc hiện tại. Đó là cách tôi trả ơn đời”.
Những lời tâm tình trên được trích từ quyểnHồi ký Tâm “Si-đa” - Vượt lên cái chết (NXB Trẻ và First News thực hiện) của chị Trương Thị Hồng Tâm. Là nhân viên công tác xã hội đặc biệt tích cực trong các hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS, lại trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cảm nhận: “Tôi biết Tâm từ những lớp tập huấn về HIV/AIDS do Trung tâm Truyền thông –giáo dục sức khỏe Tp. HCM tổ chức. Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom, nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực. Tôi đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Tâm trong chương trình Phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt trong các hoạt động giáo dục đồng đẳng. Sau này tôi quý mến Tâm hơn khi biết em đang nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc cho các bé nhiễm HIV”.
Qua tập hồi ký này ta biết, chị có một tuổi thơ không trọn vẹn khi cả ba má chị đều có mối quan tâm riêng và không ngó ngàng đến con cái. Mẹ chị bỏ đi khi em trai út của chị còn chưa biết ăn. Chị phải đi ăn cắp cơm nguội để nuôi các em. Một tháng sau, chị được gửi về ông bà nội, nhưng vì ông bà nội quá nghèo nên chị phải sống cùng với mẹ kế. Không chịu được những đòn roi, chị đã bỏ trốn lên Sài Gòn tìm mẹ khi chỉ vừa 9 tuổi. Để rồi sau đó, là những chuỗi ngày thăng trầm, ở nhờ hết nhà này đến nhà khác, bị đánh đập, bị vu khống là ăn cắp, thậm chí bị lạm dụng tình dục... Khi ấy, chị chỉ là cô bé gái nhỏ nhắn, đáng lẽ phải được sự đùm bọc và yêu thương của gia đình nhưng chỉ nhận lại sự đơn độc và khó khăn từ cuộc sống quá đầy nghiệt ngã. Đến năm 14 tuổi, chị bắt đầu sử dụng ma túy. Chặng đường tiếp theo là những tháng ngày liên tục vào ra trường trại, xen kẽ đó là những lần chị trốn về thành phố để lún sâu trong “vũng lầy” với nghề bán thân để nuôi chính mình, các em cùng cha khác mẹ, và cả con nghiện trong người chị.
Năm 1992, chị được một nhóm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Q.1, TP.HCM kiên trì đeo bám, thuyết phục chị tham gia nhóm. Chị đắn đo, đi một chặng đường dài cùng với ma túy, cai thuốc không phải là một điều dễ, có thể nói là cực khó. Nhưng không muốn đời mình cứ mãi chìm nổi theo những lần phê thuốc… thế là chị quyết định từ bỏ ma túy để trở thành nhân viên công tác xã hội tuyên truyền phòng chống AIDS. Rồi cuộc đời chị cũng lật sang trang mới - có những cơ cực, vất vả nhưng cũng đầy yêu thương và niềm tin cuộc sống.
Ban đầu, quyển hồi ký này được viết với sự động viên của chị Petra - một người Đức sang Việt Nam làm việc tại Ủy Ban Phòng Chống AIDS Thành phố Hồ Chí Minh. Những góc cạnh cuộc sống của một người đã trải qua nhiều biến cố sẽ làm bạn đọc hiểu hơn về những thân phận rất khác nhau trong cuộc sống muôn màu này. Từ câu chuyện cuộc đời của chị Tâm “Si-đa”, quyển sách sẽ tạo nên một niềm tin yêu cuộc sống, một khát khao sống đẹp hơn trong cuộc đời đời này.
THANH NGỌC