(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tình trạng sa sút của các môn khoa học xã hội đặc biệt là môn lịch sử đang gióng lên hồi chuông báo động từ nhiều năm nay. Từ đó, đã có nhiều ý kiến tâm huyết hiến kế cho ngành giáo dục. Thế nhưng mình đồng ý với ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê là “mọi bàn luận mới chỉ dừng ở mức chung chung, cảm tính” và “đã đến lúc chúng ta phải đặt lên bàn các cơ quan có trách nhiệm vấn đề nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan thực trạng dạy và học sử hiện nay”.
Là người ngoại đạo, mình cũng xin đề xuất mấy ý kiến sau đây:
Để không chỉ học sinh thích học sử, thày giáo thích dạy sử mà cả cộng đồng xã hội yêu mến môn học này thì yêu cầu đặt ra trước hết và trên hết đối với những nhà chép sử là phải trung thực, khách quan, khoa học, không được phép làm sai lệch, thậm chí “sáng tác” ra các sự kiện lịch sử với bất cứ lý do, mục đích gì.
Thứ hai đối với nhà trường, khâu quan trọng đầu tiên để xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa là phải xác định đúng vị thế của môn lịch sử. Không xác định được vị thế của môn học này trong nhà trường, chúng ta không xác lập được định hướng trong việc dạy và học. Cùng với việc xác định vị thế, chương trình phải tránh giáo điều, lý thuyết mà cần có những dẫn chứng sinh động từ thực tế. Đối với sách giáo khoa, hết sức tránh lối kể lể vụn vặt như trận đánh này bao nhiêu người chết, mấy chiếc máy bay rơi, bao nhiêu xe tăng bị bắn cháy… Về việc này, GS. Lê đã nói rất hay rằng: “Chúng ta chỉ nhìn thấy môn Sử bị đối xử như là môn phụ, thi cũng được, không thi cũng được”. Rồi “Dạy ở phổ thông hiện nay gần như là tóm tắt lịch sử của người lớn và bắt trẻ con phải học, các em chán nản là phải thôi.”
Yêu cầu thứ ba là vai trò của thày cô giáo trong việc truyền bá lịch sử. Ở đây, đầu tiên phải kể đến niềm say mê của giáo viên đối với môn mình giảng dạy. Nói một cách dân gian, thày có “lửa” chưa chắc trò đã có “khói”. Một khi thày không có “lửa” thì làm sao đòi hỏi trò có “khói”? Mặt khác, cũng phải nhắc lại rằng chương trình khô cứng, sách giáo khoa tủn mủn, vụn vặt và kể lể thì ngay cả thày cũng không muốn dạy chứ đừng nói gì chuyện trò muốn học.
Điều thứ tư cũng hết sức quan trọng là yêu cầu của cuộc sống hiện nay đối với các môn khoa học xã hội nói chung, lịch sử nói riêng, đó là trả lời câu hỏi học sử để làm gì? Nếu học sử chỉ để nhớ sự kiện này, sự kiện khác thì điều đó là thừa bởi cái gì không biết thì tra gúc gồ (Google). Nếu học sử để sống với nghề nghiên cứu lịch sử thì nhu cầu này rất ít, thậm chí con số không đáng là bao. Có lẽ “đầu ra” cho những người yêu thích môn khoa học này phần đông là trở thành giáo viên dạy lịch sử trong trường học. Cũng phải công bằng, trong một thế giới phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật như hiện nay, những môn khoa học xã hội có phần “lép vế” trước các môn khoa học tự nhiên cũng là điều dễ hiểu.
Điều thứ năm, mình lại một lần nữa đồng ý với ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê khi ông cho rằng “lỗi trước hết là ở các cơ quan chức năng quản lý ngành sử, quản lý việc dạy và học sử trong nhà trường”. Mình có cảm giác như các cơ quan quản lý đang cầm cây quyền trượng để áp đặt lịch sử một cách duy ý chí.
Trên đây chỉ là mấy ý kiến ngắn, nêu quan điểm cá nhân mình về một đề tài lớn, mình rất mong mọi người cùng tham gia góp ý cho thực trạng này.
Bùi Hoàng Tám