Hiếm người biết rằng ban đầu
Nước cho voi (tựa gốc:
Water for Elephants) từng bị “ông lớn” của ngành xuất bản HarperCollins Books từ chối xuất bản và tác giả
Sara Gruen chỉ nhận được 55.000 USD cho bản thảo của mình. Sau khi tương đối thành công với 2 tác phẩm đầu tay là
Riding Lessons và
Flying Changes, nữ văn sĩ người Canada này đã mạo hiểm khi quyết định thay đổi phong cách và đề tài. Cái giá cô được trả cho sự dũng cảm của mình chính là thành công ngoài sức tưởng tượng của
Nước cho voi khi tung ra thị trường: 12 tuần liên tiếp trụ vững trên bảng xếp hạng best-seller của thời báo danh tiếng New York Times với lượng tiêu thụ hơn 250.000 bản. Vậy điều gì khiến một cuốn sách thể loại lịch sử vốn không đặc biệt được ưa chuộng gây ra cơn sốt này?
Bìa gốc cuốn sách Nước cho voi - ngay lần đầu ra mắt độc giả năm 2006 đã khiến cả nước Mĩ phải thấy kinh ngạc vì sự chân thực nhưng cũng đầy sáng tạo trong cốt truyện của một tiểu thuyết lịch sử. Nó chất chứa ngồn ngộn những sự kiện, tuyên ngôn hay quan niệm tiêu biểu cho thập kỉ 30 của thế kỉ trước, nhưng được kể bằng câu chuyện về một thế giới nhỏ bé của những con người hết sức bình thường và chân thực: gánh xiếc rong. Từng số phận, từng suy nghĩ cho đến từng mẩu đối thoại đều chấm phá các mảng màu vào bức tranh ảm đạm mang tên thời kì Đại suy thoái. Và ngay cả một cái kết đẹp cũng làm người đọc phải suy ngẫm nhiều điều.
Cuốn sách mở ra trong một viện dưỡng lão, nơi lão già
Jacob Jankowski khó tính và hay càu nhàu kể cho mọi người nghe câu chuyện tự thuật về cuộc hành trình khó tin của mình với một đoàn xiếc lưu động thời trai trẻ. Đã gần 70 năm qua đi, nhưng dường như, từng chi tiết vẫn hiện lền rõ mồn một trong tâm trí lão bởi đó không chỉ đơn thuần là mốc thời gian, mà còn là nỗi ám ảnh.
Sara Gruen đã đi một nước cờ tài tình, khi gợi nhớ lại giai đoạn khủng khiếp trong lịch sử nước Mĩ. Ở đó không có chỗ cho các tính từ mà cả thế giới đang ngợi ca đất nước này như tự do hay hào nhoáng, mà chỉ có những giấc mơ kiểu “được trả tiền công đúng hạn” hay đơn giản hơn là “được sống không ràng buộc”. Lật giở từng trang, độc giả sẽ dần chìm đắm vào cái thế giới khốn khổ đó qua góc nhìn của một chàng trai, với sự lạc quan và niềm hân hoan của tuổi trẻ.
Ngay trước kì thi tốt nghiệp cuối kì, Jacob phải nhận tn dữ: bố mẹ cậu vừa mất trong một tai nạn xe hơi. Rồi cậu suy sụp hoàn toàn khi biết cha mình đang phải gánh một khoản nợ ngập đầu, bởi công việc bác sĩ thú y của ông hoàn toàn chẳng đem lại chút lợi lộc nào. 23 tuổi, Jacob đứng trước quyết định đầy phiêu lưu và lãng mạn nhất trong cuộc đời: rời bỏ trường đại học danh giá Cornell và nhảy lên chuyến tàu định mệnh đưa cậu vào gánh xiếc rong Anh em nhà
Benzini, làm công việc của một bác sĩ thú y. Jacob không hề biết rằng, chờ đợi phía trước cậu không phải là vẻ rực rỡ, hào nhoáng của những màn tạp kĩ xiếc, các trò ảo thuật mà lại là một thế giới đầy khắc nghiệt với những thủ đoạn lọc lừa, là mối tình với người vợ xinh đẹp của tay quản thú hung hãn, là một bí mật không thể chia sẻ trong suốt bảy mươi năm…
Bìa cuốn sách vừa được xuất bản tại Việt Nam Nước cho voi là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc khi xây dựng thành công một thế giới đầy phong phú với các tuyến nhân vật trải dài đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội đương đại. Người đọc dễ dàng bắt gặp ở đó những ông chủ mưu mô như “bác”
Al, các nhân công bị bóc lột mà vẫn phải nhẫn nhịn như
Kinko (tức
Walter), những gã hận đời như
Camel nát rượu và khốn khổ, những kẻ lạc lối giữa xã hội khủng hoảng như gã
August tâm thần phân liệt hay những cô gái sẵn sàng rời bỏ gia đình để đuổi theo khao khát được tự do như
Marlena. Tất cả đều được nhìn thấu bằng đôi mắt của một nhân vật chính lặng lẽ nhưng oai nghiêm: chú voi
Rosie. Tác giả đã rất tài tình khi kể chuyện bằng quan sát của một kẻ xa lạ hoàn toàn với cái thế giới ấy: Jacob và lột trần bản chất thật của từng con người.
Khi cao trào câu chuyện đã lên tới đỉnh điểm thì cũng là lúc chuyến tàu của gánh xiếc rong ấy hoàn toàn cuốn độc giả vào hành trình của nó. Giống như một biểu tượng nghệ thuật, trong
Nước cho voi, từng chặng tàu giống như một ngã rẽ trong cuộc đời. Và bước ngoặt cuối cùng trong truyện là một kết thúc có hậu khi Jacob và Marlena bỏ trốn sau khi đã giải thoát cho những con thú xiếc tội nghiệp. Nhưng đó có thật sự là một cái kết đẹp cho gánh xiếc rong đã đi đến nước cờ tàn ấy?
Sara Gruen hỏi và tự mỗi người đọc sẽ lại có một câu trả lời riêng sau khi đã khám phá “vở diễn” đằng sau sân khấu…
Theo 2saovietnamnet
Mời bạn xem chi tiết tại đây