Cà Mau, năm 2001, một buổi sáng ra ngồi quán cà phê, tình cơ gặp anh Kiếm, Thẩm phán tòa án tỉnh, hỏi có gì hay không, anh nói tuần rồi xử vụ án dân sự, liên quan đến câu chuyện ngộ lắm: Hai vợ chồng nghèo đi bán ghe hàng trên sông nước, con chết, chồng lấy ghe chở vợ bé về quê bán đất. Người vợ đâm đơn đòi chuộc lại. Lẽ ra Tòa xử cho chị ấy lấy lại đất vì hợp đồng bán đất của anh chồng phạm luật, nhưng chị ấy kiên quyết đòi chuộc lại, để giữ tình nghĩa xóm làng. Cao hứng, tôi rủ vài người bạn chạy xe cuống U Minh, mượn cano của công an huyện chạy về Kinh Năm, xã Khánh Hòa tìm chị Thiện. Chao ôi, một căn chòi xiêu vẹo nằm chơ vơ giữa mênh mông đồng cỏ chát. Đồng Cỏ Chát Cánh đồng nằm giữa khu rừng tràm U Minh hạ. Nhìn từ xa cứ tưởng lúa đang vào mùa chín rộ bởi một màu vàng rực mênh mông. Tôi nói bà con U Minh năm nay trúng mùa dữ quá ! Chị Thiện nhìn tôi cười thông cảm : Không phải lúa đâu cậu ơi, đó là cỏ chát ! Tôi chợt ngậm ngùi nhìn cánh đồng rồi tìm lại trong ký ức tuổi thơ, hồi ấy, cánh đồng quê tôi cũng có những gò đất mọc đầy cỏ chát. Vào tháng mười, lúa bắt đầu đứng cái, tôi thường lẽo đẽo theo mẹ ra đồng nhổ cỏ chát trên những gò cao. Cỏ chát tấn công làm cây lúa bị èo ọp, lơ phơ như ông già lao phổi, bông cỏ chát chín vàng giống y như màu vàng của lúa. Chị Thiện nói đất nào cỏ chát mọc thành rừng là người nông dân ở đó không ngóc đầu lên nổi. Điều chị nói được chứng minh bởi dọc theo bờ kinh tôi đã đi qua toàn là những căn chòi. Cái nghèo ở xứ sở nầy còn ám ảnh tôi bởi trên những bờ kinh mọc đầy hoa mua tím. Tôi không hiểu sao một loài hoa đẹp thế lại chỉ mọc trên những vùng đất khô cằn, có lẽ vì vậy mà màu tím hoa mua luôn gợi lên một nỗi buồn man mác. Tôi nhìn chị Thiện, cứ so sánh cuộc đời chị cũng khô cằn như cánh đồng cỏ chát và buồn như màu tím hoa mua. Bốn mươi hai tuổi đời mà trông chị già . . . cóp thùng thiếc như một bà cụ, hàm răng xếu xáo, da đen sạm, nhăn nheo, mắt trũng sâu như người mất ngủ. Chồng chị – anh Tư Điều – đã ôm gần hết cái tài sản hiếm hoi của gia đình để đi theo vợ bé, bỏ chị với bầy con nheo nhóc trong căn chòi giữa cánh đồng nầy suốt sáu năm qua với bao nhiêu khổ đau chồng chất. Tôi hỏi vì sao ngày xưa chị lấy anh Điều ? Chị trả lời rất gọn : Sợ ảnh chọi lựu đạn vô nhà nên má tôi gả. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, chị giải thích : Hồi mới giải phóng, ảnh đi du kích ấp, gia đình ảnh cậy người sang hỏi tôi nhưng má tôi không gả vì chê ảnh không biết chữ. Một hôm ảnh ra Cà Mau xin về một xâu lựu đạn đeo đầy hông, qua ngang nhà ảnh nói với má tôi : Nếu bác không gả con Thiện cho tôi, nửa đêm tôi chọi lựu đạn vô nhà thì đừng có nói tôi ác. Suốt mấy đêm liền má tôi không ngủ được. Có lần tôi đang làm cỏ đám mạ, ảnh cầm trái lựu đạn ra dọa tôi : Nếu em không ưng tôi thì tôi cho trái lựu đạn nầy nổ, hai đứa mình cùng chết. Tôi vừa khóc vừa chạy vô nhà. Má tôi thấy không yên nên gả tôi cho ảnh. Năm ấy tôi mới mười sáu tuổi. Cái kiểu đi hỏi vợ của Tư Điều đã lý giải với tôi về những hành vi mà anh đã cư xử với chị Thiện sau nầy. Làm dâu được một năm, vợ chồng chị ra riêng với bảy công đất phụ ấm. Chị nói anh Điều không siêng năng, không biết tính toán như người ta nhưng được cái là chị bảo đâu làm đó. Bảy công đất không đủ sống, họ lần lượt khẩn hoang thêm được hai hecta. Nhưng đất ở đây toàn là cỏ chát, cỏ chát làm cho cây lúa nghẽn bông, năm nào trúng lắm cũng chỉ được ba trăm giạ, trừ tiền cày, tiền cấy, tiền phân, tiền gặt, tiền suốt lúa . . . còn lại không được một bồ trong khi sáu đứa con lần lượt ra đời mà mọi chi phí gia đình chỉ dựa vào hạt lúa. Năm 1992, chị bàn với anh Điều bán bảy công đất phụ ấm để lấy vốn làm ăn, chớ ở cái xứ nầy, xong mùa cấy là ăn ở không, thậm chí kiếm việc làm mướn làm thuê cũng không có. Sau khi bán bảy công đất được 2,6 lượng vàng, chị trang trãi nợ nần hết năm chỉ, còn lại đi mua chiếc ghe với cái máy Robin cũ và một số hàng bách hóa. Cấy lúa xong, hai vợ chồng với sáu đứa con xuống ghe chạy sang rừng đước Năm Căn để làm một cuộc mưu sinh mới. Đến cửa Ông Trang, chị mượn cái chòi vuông tôm bỏ hoang để làm nơi tạm trú. Hàng ngày, Tư Điều cùng với hai đứa nhỏ xuống ghe, chạy đi bán hàng tạp hóa theo các kinh rạch trong rừng, bốn đứa lớn ở lại chòi với chị, hai đứa đi móc cua, hai đứa đi cưa gốc đước về cho chị hầm than. Cực khổ nhưng có đồng ra đồng vô, chị thấy dễ chịu hơn cái cảnh ăn không ngồi rồi, túng quẩn ở quê nhà sau mùa cấy. Đến mùa lúa chín, họ lại kéo nhau về, sau khi đem lúa vô bồ, vợ chồng con cái lại xuống ghe. Thế rồi hơn một năm sau, chị phát hiện thấy anh Điều có cái gì khác lạ, trước đây chiều nào anh cũng chạy ghe về, dù trời tối cũng về. Còn bây giờ có khi anh đi suốt ba bốn ngày liền, anh nấu cơm ăn luôn dưới ghe. Chị hỏi, anh nói đi bán xa ngoài bãi bồi ven biển, ngủ lại ngoài ấy để hôm sau đi bán cho tiện. Một hôm, bé Nên – đứa con gái mười tuổi – rỉ tai với chị rằng : Con thấy có cô Hồng hay xuống ghe ngủ với ba, ba nói nếu con mét má thì ba đánh. Mấy hôm sau, chị đánh liều nhảy xuống tàu đò ra bãi bồi thì gặp Tư Điều với một người đàn bà ngồi trong quán cà phê. Thấy chị, anh nắm tay người đàn bà ấy nhảy xuống ghe, chị nhanh tay giành lấy cây sào, hai người giằn co nhau, anh nói : Bà về đi, từ nay tôi không ở với bà nữa, tôi đi với con Hồng. Chị nói : Ông đi thì lên bờ mà đi, trả chiếc ghe lại cho tôi ! Anh lại nói : Chiếc ghe nầy do tôi bán đất của ba má tôi để mua, nó là của tôi. Mấy người đàn bà ở xóm bãi bồi kéo lại giữ chiếc ghe giúp chị và xúm nhau xỉ vả bà Hồng : Đồ con đĩ chó ! Mầy là dân nào mà dám công khai giựt chồng giựt ghe người ta giữa ban ngày ban mặt ? Mấy người đàn ông đang đứng trên bờ cũng không kềm chế được, họ mắng chửi Tư Điều : Tôi cho anh đi theo con đĩ ấy nhưng phải trả chiếc ghe lại cho vợ anh, nếu anh lấy ghe, tụi tôi sẽ xử anh như xử một thằng ăn cướp. Bà Hồng mắc cở bỏ đi. Tư Điều ngồi phệt xuống mũi ghe hút thuốc, đầu gục xuống. Chị Thiện bước ra sau lái nổ máy chạy về. Hôm sau Tư Điều nằm dàu dàu dưới ghe không đi bán. Chị Thiện đang nấu cơm bổng thấy con bướm bà thật to bay lượn trong căn chòi. Chị linh cảm đây là điềm dữ. Chiều lại bé Nên bị sốt mê man. Chị mua nhang và trái cây ra miếu Bà ngoài ngã ba khấn vái, con bé vẫn sốt cao, người nó nóng như lửa và lên cơn mê sảng, miệng cứ lãm nhãm một câu : Nếu con có chết, má đem con về chôn gần mã ông nội. Chị hốt hoảng chở con sang trạm xá Ông Trang, thấy tình thế nguy ngập, trạm làm giấy chuyển lên bệnh viện huyện Ngọc Hiển. Bác sĩ ở đây cho biết, cháu Nên bị sốt xuất huyết não. Hết tiền, chị gở chiếc máy Robin đem cầm ba trăm ngàn đồng để chữa bệnh cho con, nhưng bệnh tình quá nặng, ba ngày sau nó đã tử vong. Trong lúc sáu mẹ con chị ngồi quanh xác bé Nên gào khóc, chị đã nhận được những tấm lòng mà cho đến bây giờ chị vẫn không biết của ai giữa nơi xứ lạ quê người, khi tỉnh dậy, chị thấy trong túi mình có một xấp tiền và một chỉ vàng, rồi có mấy người khiêng đến một chiếc áo quan, một chiếc chiếu và một sắp vải mùng, họ nói là của Hội Chữ Thập đỏ giúp chị tẳm liệm cháu Nên. Chiếc quan tài để trong ghe, sáu mẹ con chị ngồi phía trước, Tư Điều chạy máy. Đến một chòm mả ven sông Cái Keo, Tư Điều ghé lại bảo chôn con ở đây, chị không chịu, chị nói con nó đã đòi về nằm gần ông nội, anh ráng chìu ý con một lần cuối cùng không được sao ? Anh hằn hộc nói : Vậy thì bà đưa nó về đi, tôi trở lại bãi bồi tìm con Hồng. Tư Điều vừa nói vừa đạp lái ghe nhảy lên bờ đi mất, mặc cho năm đứa nhỏ vừa khóc em, khóc chị, vừa gào thét gọi ba. Mười lăm ngày sau khi chôn cất bé Nên xong, sáu mẹ con chị Thiện tiếp tục xuống ghe quay về căn chòi cũ. Lần nầy thì chị để hai đứa lớn - thằng Nhờ và con Lành - ở chòi lấy củi hầm than, chị chở thằng Em, bé Diễm và bé Trường theo ghe đi bán hàng tạp hóa. Khoảng một tháng sau, tình cờ một hôm ghé bán hàng cho một quán cà phê trong căn nhà sàn ở cửa Cá Mòi, chị gặp lại Tư Điều. Anh bị sốt rét, người run rẩy xanh xao đang nằm trên võng. Thấy chị, anh quỳ lụy van xin, rằng tôi đã biết lỗi, rằng bà hãy tha thứ cho tôi, từ đây về sau tôi sẽ không bao giờ dám cặp với ai nữa, tôi xin thề suốt đời làm lụng nuôi vợ nuôi con. Chị im lặng để cho hai hàng nước mắt tuôn rơi. Chị nhớ con Nên, nhớ cái hôm anh đạp lái xuồng nhảy lên bờ bỏ mẹ con chị chở chiếc quan tài một ngày một đêm trong mưa gió. Nhưng rồi nhìn cái dáng xanh xao như người sắp chết của anh, chị thấy động lòng. Con Hồng đâu ? Chị hỏi, anh lắc đầu nói : Xin không được vuông tôm, nó bỏ về Cà Mau, từ hôm vô đây đến nay tôi không gặp, tôi đi làm mướn kiếm tiền sống qua ngày rồi bị sốt . . . Chị lại nói : Chớ không phải thấy ông không có chiếc ghe nên nó đá đít ông sao ?Anh thề : Tôi nói thật tình mà, tôi mà có nói gian cho ông trời đánh tôi chết ! Thấy mấy đứa nhỏ than khóc van xin cho anh, chị không nở cầm lòng. Xuống ghe đi ! Chị nói như ra lệnh rồi bước ra phía sau cho nổ máy. Tư Điều lầm lũi bò vô mui ghe, lấy mền quấn lại. Chị Thiện chạy về trạm y tế Viên An Tây đưa anh lên khám bệnh, mua thuốc rồi đưa anh về căn chòi cho thằng Nhờ và con Lành chăm sóc, chị tiếp tục đi bán. Mấy ngày sau Tư Điều khỏe lại, anh vác búa vô rừng đốn củi cho hai đứa nhỏ hầm than. Chị Thiện thấy công việc buôn bán không hợp với mình nên giao lại cho anh. Tư Điều chở bé Diễm và bé Trường theo ghe, thằng Nhờ đi móc cua, con Lành và thằng Em đi đốn củi, chị trở lại công việc đốt lò than. Chị Thiện hy vọng cuộc sống sẽ dần dần ổn định, kiếm một ít vốn chị sẽ về quê buôn bán cho mấy đứa nhỏ học hành, ít ra thì cũng phải biết đọc, biết viết đúng chính tả, biết cộng trừ nhân chia, không thể để chúng dốt đặc như Tư Điều. Để lớn lên, khi phải lòng ai mà không dám nói thì ít nhất chúng cũng phải biết viết một lá thư chớ không phải cầm trái lựu đạn đi hâm dọa như cha nó hai mươi năm trước. . . Nhiều đêm trong căn chòi chị đã ước mơ như vậy. Thế rồi, kết quả của lòng bao dung tha thứ cho Tư Điều trong cái quán cà phê ở vàm Cá Mòi hôm nọ là một cái bào thai mà sau nầy, có một lý do mà chị phải đặt tên con là thằng Hận. Một buổi chiều chạng vạng, chị thấy bé Diễm trong cơn sốt run rẩy bò lết vô chòi, nhìn xuống bến không thấy chiếc ghe của Tư Điều, chị hỏi ba đâu? Con bé nói không biết, chị hỏi ai đưa con về đây? Con bé nói cô Hiếu, chị hỏi cô Hiếu nào? Nó nói cô Hiếu bán ốc len ở chợ ong Trang, quen với ba. Nó chỉ biết rằng nó bị sốt nằm mê dưới ghe từ hôm qua, lúc nảy tỉnh dậy thì thấy nằm dưới chiếc xuồng nhỏ, cô Hiếu đưa nó lên bờ, bảo nó lội vô chòi rồi chèo xuồng đi mất. Sáng hôm sau chị đón tàu đò ra chợ Ông Trang để tìm chị Hiếu bán ốc len, bà con trong chợ cho biết : chị Hiếu quê ở Mỹ Tho, làm nghề mại dâm và trôi dạt dần cho đến tận Năm Căn. Sau một đợt truy quét tệ nạn xã hội, chị bị đưa đi cải tạo lao động sáu tháng, không còn đủ nhan sắc để trở lại nghề cũ, Hiếu xuống Ông Trang, chị thuê một phòng trọ, buổi chiều vào rừng bắt ốc len, buổi sáng đem ra chợ bán. Gần đây Hiếu có quen với một người đàn ông bán ghe hàng. Thông tin về chị Hiếu chỉ có thế, chị Thiện tưởng tượng ra rằng, Tư Điều và Hiếu đã mang chiếc ghe đi xây tổ ấm, nhưng tại sao họ lại mang theo cả bé Trường ? Chị hối hận vì mình đã tha thứ cho anh, nếu không, chị đâu phải mất chiếc ghe và mang thêm cái bào thai trong bụng. Bây giờ thì mọi chuyện đã muộn màng, ở lại thì không biết lấy gì để sống, mà về quê thì lấy gì làm phương tiện đi về. Suốt ba ngày liền chị nằm vật vả trong chòi, không ăn không uống. Chị không ngờ đời mình đến đây phải làm lại từ đầu trong cảnh trắng tay giữa xứ lạ quê người với một đàn con nheo nhóc. Nhưng dù muốn hay không cũng phải làm lại từ đầu. Năm mẹ con chị ì ạch đi lấy củi hầm than, cứ vài ngày thì đón tàu đò chở ra chợ Ông Trang bỏ mối, mỗi phiên chợ cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, ba tháng sau, chị tích lũy được sáu trăm ngàn đồng và một trăm ký than, chị quyết định mua chiếc ghe cũ để mấy mẹ con chở một trăm ký than chèo về quê làm ruộng. Một trăm ký than đem về U Minh bán cũng được năm trăm ngàn đồng, ít ra cũng có một ít chi phí lo cho mùa cấy. Ba năm gồng gánh, chống chèo đi lưu lạc xứ người, mất mác nhiều hơn cái làm ra, lại thêm những khổ đau chồng chất, cuối cùng cũng quay lại với cánh đồng cỏ chát . . . Chị đang nghĩ ngợi thì bổng nghe một cơn đau bụng nhói lên, chị buông chèo nhẩm tính . . . vậy là đứa bé sắp ra đời. Chị bảo thằng Nhờ và con Lành, đứa chèo đứa bơi quay xiết lại trạm y tế chợ Đầm Cùng. Hai đứa nhỏ dìu chị lên bờ trong cơn đau quằn quại . Khi tỉnh dậy, chị biết mình sinh một đứa con trai, chị đặt nó tên là thằng Hận – Phạm Văn Hận. Sau khi hiểu được hoàn cảnh của chị, các nhân viên của trạm y tế đã miễn các khoản chi phí và giúp cho chị tiền thuốc, tiền cơm. Bảy ngày sau, chị gởi cho trạm phân nửa ghe than để gọi là đền ơn đáp nghĩa rồi tiếp tục cuộc hành trình. Thằng Nhờ và con Lành thay phiên nhau chèo. Hễ nước xuôi thì chèo, nước ngược thì đậu nghỉ. Ba ngày ba đêm, mẹ con chị mới về tới Khánh Hòa, về tới căn chòi mằm giữa mênh mông đồng cỏ chát. Về vừa tới đầu kinh, chị Thiện lại nghe thêm một cái tin sét đánh : Tư Điều đã bán một hecta đất cho vợ chồng Năm Dữ ở cạnh nhà với giá 1,3 lượng vàng, bỏ thằng Trường bên nhà ông bà nội rồi dẫn cô Hiếu ra đi. Nghe nói họ đã bán chiếc ghe để về Mỹ Tho sinh sống. Chị Thiện bước lên bờ đứng như trời trồng mà nghe đầu óc muốn vỡ tung ra. Mảnh đất nầy hồi cháy rừng U Minh chị đã quần quật mấy năm để lật từng gốc tràm gốc mốp, hì hục từ lúc hừng đông cho đến khi cúm núm kêu mới lê từng bước chân đói lã vô nhà. Bây giờ một nửa đã về tay người khác, còn lại một hecta làm sao đủ nuôi sống cả bảy miệng ăn. Chị qua thương lượng với Năm Dữ rằng để chị đi vay tiền chuộc lại, Năm Dữ không chịu. Chị đâm đơn ra tòa, xin Tòa xử cho chị chuộc lại vì Tư Điều bán đất mà không có sự đồng tình của chị. Tòa mời hai người ra xử nhưng chị thua kiện vì ông phó Chánh án Tòa án huyện U Minh là cậu vợ của Năm Dữ. Ức lòng, chị làm đơn chống án. Toà án tỉnh xử phúc thẩm cho chị được chuộc lại đất. Hôm ấy sau khi xử xong, anh chủ tọa phiên tòa nói với chị rằng trong trường hợp của chị, nếu chị kiện đòi lại đất thì luật pháp vẫn bảo vệ quyền lợi của chị mà vô hiệu hợp đồng bán đất giữa Tư Điều và Năm Dữ, nhưng vì chị đã tự nguyện trả lại cho Năm Dữ 1,3 lượng vàng nên tòa phải xử như vậy. Chị nói chị cũng biết vậy nhưng ở gần ở gũi, làm vậy sẽ gieo cho gia đình Năm Dữ một mối thù. Hôm ấy chị phải bán con gà mái bốn chục ngàn để làm lộ phí ra Cà Mau dự phiên tòa, cả ngày chị chỉ ăn một gói xôi. Thắng kiện rồi, chị phải chạy vay 1,3 lượng vàng để nộp cho Đội thi hành án, mỗi tháng phải đóng lời hơn một chỉ. Mấy mẹ con chị phải đầu tắt mặt tối quanh năm, hết mùa ruộng thì kéo nhau đi làm mướn, mà ở xứ nầy ai cũng nghèo, có việc gì để làm ngoài nhổ cỏ mướn, gặt mướn, cấy mướn. Mùa mưa năm ngoái, một tai họa lại giáng xuống gia đình chị : chị với thằng Nhờ, con Lành và thằng Em đi cấy trên hậu đất, để ba đứa nhỏ ở nhà. Buồn miệng, chúng rủ nhau ra bờ kinh nhổ củ xả ăn cho đỡ thèm quà bánh, nhổ xong, thằng Trường mang đi rửa, bị trợt chân, nó té xuống kinh. Khi làng xóm hay tin đem lên xốc nước thì nó đã chết, mấy củ xả còn trôi lờ đờ dưới mé kinh . . . Kể chuyện thằng Trường xong, chị chỉ sang bé Diễm mười bốn tuổi đang ngồi chơi trước cửa nhà với cái dáng ốm xanh như tàu chuối, chị nói nó đang bị bứu tim, không biết nó sẽ bỏ chị ra đi lúc nào. Tôi hỏi sao không đưa cháu đi bệnh viện, chị nói hôm trước bán hai con gà mái đẻ được bảy chục ngàn chở nó ra bệnh viện Cà Mau, Bác sĩ nói bệnh của nó được điều trị miễn phí nhưng lấy đâu ra tiền để mà ở ngoài ấy nôi con. Vay 1,3 lượng vàng chuộc đất, ba tháng rồi không có tiền đóng lãi, mang giấy chủ quyền đất ra xã làm thủ tục đi Ngân hàng vay vốn thì đất lại do anh Điều đứng tên nên không vay được. Chị ra phòng Địa chính sang tên thì người ta nói phải có mặt anh Điều, hoặc là chị phải làm thủ tục để chứng minh anh Điều mất tích. Chị sang phòng Tư pháp, một cán bộ ở đây bảo chị phải qua Tòa án đóng lệ phí để nhờ họ nhắn tin trên các cơ quan báo chí, nếu sau sáu tháng mà anh Điều không về thì Toà án sẽ làm thủ tục mất tích cho anh và trao quyền thừa kế đất đai cho chị, lúc ấy phòng Địa chính sẽ làm thủ tục sang tên. Chị nghĩ, anh Điều dứt tình với chị để ra đi một cách biệt tăm sao quá dễ dàng trong khi chị muốn chứng minh cái sự ra đi của anh bằng pháp lý thì lại quá khó khăn ? Chị rời chợ huyện, chèo xuồng về nhà trong mưa và nước mắt. Chị nhẩm tính, nếu mỗi hecta đất nông nghiệp được vay năm triệu đồng thì số lãi phát sinh của 1,3 lượng vàng từ nay đến lúc chị làm xong thủ tục cộng với nợ gốc thì số tiền nếu có vay được của Ngân hàng cũng không đủ trả, lấy gì để đầu tư cho sản xuất ? Nhưng không đi làm đủ các thủ tục để vay thì lấy gì để trả nợ ? Rồi lãi suất mỗi tháng 1,3 chỉ vàng cứ chất chồng lên, lúc ấy có bán hết hai hecta đất cũng không đủ trả. Chị Thiện ngồi đối diện với tôi trên bộ vạc tre, lưng chị tựa vào tấm vách lá, mắt nhìn xa xăm về phía cánh đồng cỏ chát mênh mông. Đôi mắt trũng sâu và ráo oảnh, có lẽ nước mắt đã cạn nguồn. Tôi cũng ngồi im lặng, không dám hỏi thêm vì sợ tiếp tục khơi dậy những nỗi đau trong lòng chị, mà nói lời an ủi chị thì biết phải nói sao, dù có nói bao nhiêu cũng trở thành vô nghĩa bởi cái cần thiết cho sự sống của mẹ con chị bây giờ không phải là lời nói đầu môi. Chiếc ca-nô của chúng tôi đậu dưới mé kinh đã gợi sự tò mò cho hàng xóm, họ lần lượt kéo đến đầy căn chòi chị Thiện, những người đàn bà tay bồng tay bế, những đứa trẻ đầu tóc vàng hoe, mình mẩy, tay chân, mặt mày đầy vết bẩn. Chúng trố mắt nhìn những người khách lạ rồi nhìn chiếc ca-nô như chưa từng thấy bao giờ. Còn tôi thì nhìn chúng rồi lại nhìn cánh đồng cỏ chát, nhìn những hàng hoa mua tim tím trên bờ kinh. Cái màu vàng của bông cỏ chát ( mà tôi từng bị đánh lừa tưởng là bông lúa) và màu tím của hoa mua đã nhuốm lên mảnh đất nầy, đã trùm lên bao nhiêu thân phận con người của bao thế hệ, nó vẫn rực lên, ung dung như lời thách thức . . . Chúng tôi từ giã mọi người rồi cho ca-no nổ máy, không dám nói gì thêm, mà thật ra cũng chẳng biết nói gì. Giá như lời cầu nguyện có linh thiêng, có phép màu thì tôi sẽ cầu nguyện cho chị Thiện có cơ may trả nợ, cầu nguyện cho những đứa trẻ trên cánh đồng nầy đừng trở thành bản sao cuộc đời của cha mẹ chúng !!! Cà Mau, 16/ 5/ 2001
|