Origami là danh từ quốc tế chỉ môn nghệ thuật tạo hình bằng giấy bắt nguồn từ Nhật Bản. Tại Việt Nam, Origami được đông đảo bạn trẻ yêu thích và từ lâu đã trở thành những món quà nhỏ mang nhiều thông điệp ý nghĩa về ước vọng và hòa bình. | Truyền thuyết kể rằng ai gấp được 1.000 con hạc giấy, người ấy có thể biến điều ước thành sự thật! |
Truyền thuyết về hạc giấy
Không ai biết chính xác Origami ra đời từ khi nào và ở đâu nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng Nhật Bản là quê hương của nó. Hiện có vô số các mẫu gấp Origami từ những con vật, đồ dùng, hoa lá, cỏ cây, thậm chí cả con người.... Nhưng một trong số những mẫu Origami được biết tới nhiều nhất là hình con hạc. Con hạc là điềm tốt lành trong quan niệm của người Nhật và đã có truyền thuyết kể rằng ai gấp được 1.000 con hạc giấy, người ấy có thể biến điều ước thành sự thật. Truyền thuyết này không biết có đúng hay không, nhưng câu chuyện về bé Sadako Sasachi và 1.000 con hạc giấy lâu nay vẫn được người ta nhắc tới như một niềm tin về ước mơ và hy vọng. Bé bị bệnh bạch cầu do ảnh hưởng bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Khi phải nằm viện điều trị, bé được bác sĩ kể cho nghe về một truyền thuyết cổ của Nhật Bản rằng nếu ai gấp đủ 1.000 con hạc giấy, người đó sẽ được một điều ước. Nghe xong câu chuyện, Sadako liền lấy giấy gấp thành con hạc với ước nguyện mình sẽ khỏi bệnh. Những chú hạc nhỏ bé và mong manh chứa trong đó niềm tin về sự sống mãnh liệt của Sadako được em xâu lại thành chuỗi và treo bên cạnh giường, nhưng khi gấp đến con hạc thứ 635 thì em đã qua đời do bệnh quá nặng. Cảm động trước khát vọng sống mãnh liệt, nghị lực và niềm hy vọng của Sadako, người dân Nhật Bản đã quyết định xây dựng một tượng đài trẻ em vì hòa bình thế giới để tưởng niệm Sadako và những trẻ em đã chết vì bom nguyên tử.
Sau khi tượng đài được khánh thành đã có hàng ngàn, hàng vạn con hạc giấy đầy màu sắc được trẻ em khắp nơi trên thế giới gửi về đặt dưới chân tượng đài như để động viên, an ủi, sẻ chia với bé Sadako cũng như những em bé xấu số khác .... Từ câu chuyện đó, hạc giấy ban đầu chỉ là biểu tượng của sự may mắn, điềm tốt lành sau đã trở thành một biểu tượng hòa bình, niềm tin và hy vọng, nghệ thuật gấp giấy Origami cũng dần đi vào cuộc sống của con người. "Gấp" nên sự kiên trì
Có nhiều ý kiến cho rằng, nghệ thuật xếp giấy đã có từ khoảng thế kỷ thứ 1 hay thứ 2 ở Trung Hoa, sau đó mới lan sang Nhật vào thế kỷ thứ 6 và dần trở thành một nghệ thuật độc đáo của xứ Nhật. Nghệ thuật Origami truyền thống Nhật Bản có thể là để phục vụ lễ nghi, mẫu Origami có thể đơn giản như chiếc thuyền hay máy bay giấy chúng ta thường gặp, nhưng cũng có thể hết sức phức tạp như hình rồng, phượng.... Origami hiện đại thay đổi rất nhiều, các mẫu thường được gấp khi ướt (gấp ướt) hoặc sử dụng vật liệu khác như kim loại được tán mỏng... Từ khi mới hình thành, người Nhật đã xem Origami như một phần văn hoá và truyền thống đất nước hơn là một hình thức nghệ thuật. Từ đó, khi nhắc tới Origami, người ta thường nghĩ đó là môn nghệ thuật tạo hình bằng giấy bắt nguồn từ tiếng Nhật, trong đó Ori là hình thức danh từ hóa của động từ Oru (xếp) và Gami là biến âm của Kami (giấy). Về sau, khi đã đi vào cuộc sống, Origami còn là những mẫu gấp về những vật hết sức dung dị, bình thường, gắn bó với con người hàng ngày. Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật, hình vuông (2 chiều), thành những hình phức tạp 3 chiều, không cắt dán trong quá trình gập, đây cũng là xu hướng của Origami hiện đại. Không giống như người ta thường nghĩ, các qui tắc Origami truyền thống của Nhật Bản lại ít nghiêm ngặt hơn Origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác, và có thể cắt dán trong quá trình gấp. Về hình thức thì sản phẩm Origami chỉ là những mảnh giấy được khéo léo xếp thành các con vật, đồ dùng, thậm chí cả con người. Tuy nhiên, để xếp đuợc chúng đòi hỏi sử tỉ mỉ, kiên nhẫn và sự khéo léo cao. Chỉ bằng một phương tiện đơn giản, dễ tìm - một tờ giấy mà Origami có thể dạy cho người ta được nhiều điều: Sự khéo léo, lòng kiên nhẫn, tình yêu thiên nhiên, kích thích trí tưởng tượng trong không gian 3 chiều…
Ban đầu chỉ là những tờ giấy màu mỏng manh và nhỏ bé, sau sự khéo léo của người xếp giấy, những tờ giấy này đã trở thành những mẫu nghệ thuật độc đáo. Là một tờ giấy nên nếu không khéo léo, vuốt ve, thì giấy có thể rách, không thể tạo nên những sản phẩm đẹp, mà có tạo nên được thì cũng nhăn nhúm, méo mó. Ví thế sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì là điều quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm Origami hoàn hảo. Thổi hồn vào giấy Có người còn cho rằng, Origami không phải là môn gấp giấy mà phải là thổi hồn vào giấy, biến những mảnh giấy vô tri giác thành những sản phẩm có hồn... Vì thế nên, ở mỗi đất nước, mỗi vùng miền trên thế giới, Origami đều được con người sáng tạo, thể hiện theo nhiều cách khác nhau, mang những nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc. Ví dụ ở Trung Quốc, các tác phẩm đều là những hình tượng trong thần thoại, những vị thần của nhà trời, những con vật trong tứ linh như "Long", "Ly", "Quy", "Phượng". | | Hạc giấy và ngôi sao đã trở thành món quà ý nghĩa thể hiện niềm tin và ước mơ về hạnh phúc của các bạn trẻ |
Đối với người Châu Âu, tác phẩm là những hình vị thần hung dữ đầy sức mạnh cơ bắp và quyền lực. Còn ở Việt Nam, dù còn mới mẻ, nhưng nghệ thuật gấp giấy cũng đã chủ yếu đi theo những hình tượng văn hoá phương Đông, văn minh lúa nước. Các tác phẩm chủ yếu là hình tượng bình dị, những con vật gắn bó với cuộc sống người dân, như con trâu, con gà, hoa lá, cỏ cây.... Những sản phẩm từ giấy này được đông đảo bạn trẻ Việt Nam yêu thích, họ còn gửi gắm cả tâm tư tình cảm của mình vào đó. Đã từ lâu, hạc giấy và ngôi sao đựng trong một chiếc lọ thủy tinh cũng đã trở thành món quà vô cùng ý nghĩa, gửi gắm bao yêu thương, niềm tin và ước mơ về hạnh phúc mà các bạn gái dành tặng cho bạn trai của mình.... Chính vì có thể gửi gắm tình cảm, cái hồn của người gấp vào sản phẩm, nên những sản phẩm Origami luôn mang những thông điệp ý nghĩa mà những người gửi dành cho nhau. Không chỉ thế, những Origami Việt Nam đang từng ngày "thổi hồn" Việt vào tờ giấy để tạo nên những tác phẩm Origami mang đậm phong cách Việt.
Mời các bạn xem chi tiết tại đây
|