Mình kể cho các bạn câu chuyện cô bạn thân của mình, khi bọn mình ở cùng nhau hồi học đại học, bạn mình rất ghét đọc tạp chí. Mình thì thích đọc các loại báo, thi thoảng cầm tờ "Phụ nữ Việt Nam" bảo đọc hay mà bạn mình thì cứ nhăn mặt không thèm rờ đến. Nhưng mình bảo đọc cái này cũng hay, học hỏi kinh nghiệm của mọi người, thấy họ chia sẻ các vấn đề cá nhân rồi tìm cách tháo gỡ cũng có ích cho mình lắm. Đôi khi trong cuộc sống mình không gặp các vấn đề đó, hoặc không được biết đến những vấn đề đó vì bạn bè mình, những người xung quanh mình ai gặp phải để mà "rút kinh nghiệm" cả, thành ra đọc báo cũng là một cách để học hỏi kinh nghiệm mà nếu có rơi vào mình thì còn biết đường mà giải quyết.
Thế mà chẳng hiểu sao rồi một ngày cô bạn mình cũng cầm tờ tạp chí lên đọc khiến mình cũng ngạc nhiên. Cho đến giờ thì mình cũng không hiểu tại cô bạn mình lại bắt đầu thích thú với việc đọc báo mà trước đây thì cực lực phản đối. Mình nghĩ có lẽ những gì mình nói có lẽ thuyết phục bạn mình thấy được lợi ích của đọc sách và báo nói chung chăng.
Sách báo bây giờ thì không thiếu để cho chúng ta đọc. Vấn đề là mình nên đọc như thế nào cho hiệu quả, mình học được gì sau mỗi lần đọc chứ không để mất thời gian đọc xong rồi "để đó".
Trước hết bạn hãy coi đọc sách như là một thú vui và là một nhu cầu. Cách tốt nhất là khi bạn thực sự muốn tìm hiểu một chủ đề nào đó, ví dụ như bạn đang quan tâm đến Nghệ thuật lãnh đạo, hay Kĩ năng giao tiếp hãy bắt đầu tìm trên mạng các quyển sách được nhiều người đọc. Bạn có thể tìm e-book và download về đọc trên máy. Trang www.esnips.com là một trang tổng hợp rất nhiều các e-book mà bạn có thể tham khảo. Cách này thì tiết kiệm tiền nhưng hơi bất tiện vì bạn phải có máy tính thì mới đọc được. Tốt nhất có lẽ là bạn tổng hợp một loạt đầu sách liên quan và tìm hiểu qua nội dung của chúng. Sau đó in ra hoặc tìm mua ngoài hiệu sách nếu thực sự thấy muốn nghiền ngẫm một cuốn nào đó.
Trước khi đọc, hãy xem kĩ tiêu đề của cuốn sách. Dừng lại 5 phút suy nghĩ xem tại sao tác giả lại đặt tiêu đề như vậy. Bạn thử đoán xem tác giả định đề cập đến chủ đề gì trong cuốn sách này. Và bắt đầu đọc nhé.
Một số người có thói quen xem phần mục lục trước. Thói quen này áp dụng khá tốt nếu bạn đọc sách chuyên ngành, thường phần cuối các quyển sách giáo khoa hoặc chuyên ngành hay có mục từ tham khảo. Ví dụ bạn đang muốn tìm phần đề cập đến "luật hấp dẫn" chẳng hạn, tra danh mục từ tham khảo phần cuối sách rồi tìm trang tương ứng rất nhanh.
Bạn hãy cứ bắt đầu việc đọc qua từng trang từng trang một. Một số sách viết về kĩ năng, chia sẻ kinh nghiệm, hay truyện thì không cần đọc mục lục. Một số bạn hay phàn nàn là tốc độ đọc của họ chậm quá, đọc mãi một quyển không xong. Theo mình thì muốn đọc nhanh chỉ có cách là đọc thật nhiều. Giống như khi bạn đọc tin tức, ngày đầu tiên phải dò từng trang một, nhưng chỉ một tuần đọc liên tục, bạn sẽ lướt thông tin cực kỳ nhanh. Đọc sách cũng như vậy thôi
Kĩ năng đọc sách tốt rất cần tư duy phê phán (critical thinking). Khi đọc bạn không nên để cho người viết dẫn dụ suy nghĩ khiến cho bạn thấy họ nói gì cũng đúng vì thực ra mọi thứ chỉ đúng trong văn cảnh nào đó mà thôi, ở một văn cảnh khác thì kết luận có thể khác. Vì thế trong quá trình đọc bạn nên tự đặt ra những câu hỏi như: Cách đặt vấn đề của tác giả như thế nào? Câu chuyện này có logic, có thuyết phục hay không? Cái này mình đã thấy trong cuộc sống chưa, mình gặp bao giờ chưa nhỉ? Như thế sẽ hiểu rõ hơn trong hoàn cảnh nào thì bạn có thể áp dụng những bài học thu được từ cuốn sách đó, và trong trường hợp nào thì không. Một số ý hay, bạn nên ghi lại. Mỗi lần viết ra là một lần học. Tự nó sẽ giúp bạn khắc sâu các ý tưởng vào tâm trí.
Thực hành kĩ năng viết một bài chia sẻ suy nghĩ, nhận định của mình về cuốn sách bạn vừa đọc xong trên các diễn đàn hay đăng trên báo. Ở nhiều nước, học sinh các cấp và sinh viên thường xuyên phải hoàn thành việc đọc một cuốn sách và viết điểm sách. Điểm sách (review) không đơn thuần là tổng hợp lại nội dung quyển sách mà bạn phải đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề mà cuốn sách đưa ra, so sánh nói với các tác phẩm và tác giả cũng nghiên cứu vấn đề tương tự, đưa ra những luận điểm của mình về cái hay cái dở của cuốn sách, và nhận xét chung liệu cuốn sách này có đóng góp gì đáng kể trong lĩnh vực đó hay không.
Đọc hiểu. Khi học ngoại ngữ các bạn vẫn thường phải làm bài tập phần Đọc hiểu (Comprehensive Reading). Các dạng bài tập hay phần thi kiểu này thường áp dụng kĩ năng scanning and skimming, tức là đọc lướt lấy ý chính để trả lời câu hỏi. Muốn làm phần này tốt, các bạn nên để ý các câu đầu của mỗi đoạn vì đây thường là những câu mang tính tổng hợp nói lên toàn bộ ý của đoạn văn. Tuy nhiên cá nhân mình cho rằng phương pháp này chỉ phù hợp cho ôn thi thôi. Còn với đọc sách nói chung thì bạn đọc được càng kĩ càng tốt. Bạn có thể lướt qua những phần không thú vị lắm, và nghiễn nghẫm những phần mà bạn tâm đắc. Có những quyển sách bạn chỉ mất nửa tiếng để đọc vì chỉ tìm thấy một phần nhỏ nào đó là mới đối với bạn. Có những quyển sẽ mất hàng tuần để nghiền ngẫm. Cứ như thế, bạn sẽ thấy khả năng đọc sách của mình tăng lên đáng kể và kiến thức mà bạn có được từ đọc sách sẽ ngày dày hơn lên rất nhiều mỗi ngày. Chúc các bạn một ngày vui với sách Theo Hòang Khánh Hòa - Trung Tâm Đào Tạo Và Ứng Dụng Khoa Học Tâm Lý Hồn Việt
|