Đối với mỗi con người, nhu cầu được học tập là nhu cầu chính đáng và rất bức thiết. Việc học không có nghĩa chỉ ở trường lớp mà phải học cả đời, trong đó tự học, tự nghiên cứu là quan trọng nhất và chiếm thời gian nhiều nhất. Đọc sách là cách tốt nhất bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, do đó, đọc sách là cách tự học tốt nhất, hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Trong Từ điển tiếng Việt giải nghĩa từ “đọc” là hành động trông (nhìn) vào chữ mà nói ra tiếng hoặc không nói ra tiếng. Đọc sách là một trong những hoạt động của con người nhằm tự mình nâng cao sự hiểu biết, trí tưởng tượng và tầm trí tuệ, giúp cho con người tiếp cận tri thức và lĩnh hội các giá trị mà tri thức đem lại. Việc sử dụng những nhân tố văn hóa vào hoạt động đọc sẽ đem lại cho việc đọc và chủ thể đọc những giá trị mong muốn. Giá trị ấy suy cho cùng là nhằm phát triển con người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người. Nhận thức được điều đó, con người sẽ đọc, thích đọc và ham mê đọc, hình thành những nét đẹp trong hoạt động đọc và cuộc sống. Nét đẹp ấy chính là sự thể hiện của văn hóa và phản ánh trình độ của con người trong lĩnh vực đọc. Thuật ngữ “văn hóa đọc” được nhiều người nhắc đến trong thời gian gần đây với ý nghĩa là một hoạt động văn hóa thông qua việc đọc sách, báo, tạp chí để nâng tầm hiểu biết. Đồng thời, thuật ngữ “văn hóa đọc” được quan tâm bởi vì hoạt động đọc của con người đang đứng trước hai sự lựa chọn lớn mà trước đây chưa từng có: Một là, có cơ hội tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ, được quyền lựa chọn những đầu sách, mảng đề tài mình thích; Hai là, đứng trước nguy cơ lấn át của các phương tiện nghe nhìn ngày càng phong phú, hiện đại và hấp dẫn. Bản chất của văn hóa đọc là làm cho các chủ thể có được cách thức đọc sao cho hợp lý, khoa học và tiết kiệm thời gian. Như vậy, văn hóa đọc sẽ giúp con người trang bị một phông nền kiến thức sâu rộng, giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn về chính họ và thế giới. Hoạt động đọc có mặt của văn hóa đọc và được nhận biết qua hai phương diện: Một là, các nhân tố văn hóa dân tộc (hệ giá trị, truyền thống, tập quán, chuẩn mực, lối sống…) được chủ thể vận dụng vào quá trình đọc để hình thành thói quen, khả năng lựa chọn và cách đọc sách mang lại những giá trị mà chủ thể mong muốn (sự hiểu biết, nâng cao tầm trí tuệ…). Hai là, các giá trị, truyền thống, chuẩn mực riêng, cách đọc sách… mà chủ thể đọc tạo ra trong quá trình đọc có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn mọi người tạo lập thói quen, phương pháp lựa chọn và cách đọc sách có văn hóa. Việc nghiên cứu về khái niệm văn hóa đọc còn chưa nhiều và có nhiều ý kiến khác nhau. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Vietnamnet, GS. Chu Hảo cho rằng: “Thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc”. Tác giả Phạm Toàn thì cho rằng, “Khi con người từ việc đọc sách mà tự đào tạo mình thành con người văn hóa, khi ấy ta có một nền văn hóa đọc”. Trong bài viết “Văn hóa đọc” đăng trên Tạp chí Hà Nội ngàn năm, tác giả Đặng Huy Giang quan niệm: “Văn hóa đọc là nói đến sự học, sự nâng cao trình độ không ngừng, không nghỉ mọi mặt ở mỗi người”. Theo chúng tôi, văn hóa đọc là việc vận dụng các nhân tố văn hóa (giá trị, truyền thống, tập quán, tâm lý…) vào hoạt động đọc của các chủ thể, là cái văn hóa mà các chủ thể đọc tạo ra trong quá trình đọc có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn mọi người tạo lập thói quen, phương pháp lựa chọn và cách đọc sách có văn hóa. Văn hóa đọc là loại hình văn hóa cộng đồng. Nó không phải là con số cộng đơn giản của những văn hóa cá nhân sống trong cộng đồng đó, mà là toàn bộ giá trị và chuẩn mực, truyền thống và tập quán được cộng đồng chấp nhận và thực thi một cách tự nguyện. Khi được gọi là văn hóa, văn hóa đọc phải là một hệ thống bao gồm những giá trị, truyền thống, tập quán, thói quen, chuẩn mực được hình thành trong quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng, có khả năng lưu truyền, có tác động sâu sắc tới tâm lý và hành vi của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Trong đó, giá trị nâng cao sự hiểu biết, trí tưởng tượng và tầm trí tuệ là hạt nhân quan trọng nhất của văn hóa đọc. Đã gọi là văn hóa thì văn hóa đọc có vai trò nền tảng cho sự phát triển hoạt động đọc của con người, từ đó, tác động đến sự phát triển của ngành xuất bản và toàn xã hội. Những giá trị và chuẩn mực được hình thành trong quá trình phát triển văn hóa đọc có tác động sâu sắc đến tâm lý, hành vi của con người, góp phần quan trọng định hướng con người trước hết suy nghĩ và hành động đúng, phấn đấu đạt tới cái tốt đẹp và khát vọng, vươn tới cái cao cả.
Bản chất của con người là khao khát hiểu biết và khao khát yêu thương. Hiểu biết để yêu thương nhiều hơn và yêu thương để hiểu biết rộng hơn. Đó là hằng số của văn hóa. Văn hóa đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, giúp cho con người hiểu biết rộng và sâu hơn, giúp cho con người hình thành, phát triển nhân cách và tự hoàn thiện mình, góp phần quyết định nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà con người còn muốn mơ ước, còn muốn khát khao hiểu biết và thương yêu. Trong bài “Văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ truyền thông” đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, tác giả Nguyễn Hữu Giới đã khẳng định: “Sách không hề mất đi giá trị văn hóa lâu đời vốn có của nó. Cái cảm giác khi ta lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, họa tiết đẹp đẽ - chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính - có lẽ vẫn mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng. Đơn giản bởi sách đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay nó vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được”. Với tựa đề “10 lý do thúc đẩy chúng ta đọc sách”, bài viết của tác giả Lê Quỳnh Mai đăng trên Tạp chí Tia sáng cho thấy những giá trị khi đọc sách: 1. Bồi đắp sự thông minh. 2. Tạo ra sự tưởng tượng phong phú. 3. Tăng sự hiểu biết. 4. Có thể đi du lịch qua đọc sách. 5. Cho phép độc giả tự đánh lừa giữa khoảng cách của sự sống và cõi chết giúp độc giả chấp nhận sự hiện hữu - những ước muốn không thể thực hiện được. 6. Mang lại những điều tốt đẹp nhất, cho độc giả hiểu rằng bản thân con người không phải là một cái máy, mà là một thực thể văn hóa. 7. Đời sống đầy những nghịch lý. Đọc và viết xóa bỏ những nghịch lý ấy. 8. Đọc có khuynh hướng dẫn đến viết, là một trong những “sở thích và thú vui” đẹp nhất của con người. 9. Đọc và viết là hành động tự do, không bị ép buộc, là hành động “cho không”. Điều “cho không biếu không” này trong đời sống rất khó xảy ra! 10. Từ đọc ® viết ® có thể mang lại cho tác giả một quyền lực khi chính mình tạo dựng cốt chuyện và nhân vật. Như vậy, đọc sách mang lại cho người đọc những giá trị tuyệt vời. Chúng tôi chia sẻ quan điểm của tác giả Nguyễn Công Hoan khi nói về vai trò của văn hóa đọc. Ông cho rằng: “Văn hóa đọc bao gồm những chức năng chủ yếu như chức năng cung cấp thông tin, cung cấp tri thức, chức năng giáo dục, chức năng giải trí, chức năng giao tiếp. Với các chức năng trên, văn hóa đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách con người”. Ngày nay trong thời đại bùng nổ thông tin, khi mà “thế giới nằm trong mười đầu ngón tay” của bạn, các phương tiện nghe nhìn quá nhiều và quá hấp dẫn, nhưng dù thế nào chăng nữa, sách vẫn luôn là nguồn bổ sung kiến thức vô tận, là một phần trong cuộc sống tinh thần của con người. Đọc sách đưa con người trở về hạnh phúc với khoảng không gian nội tâm của mình, thỏa trí tưởng tượng và có những cảm xúc sâu sắc.
Theo Nhip cầu tri thuc
|