Chưa khi nào vấn đề văn hoá đọc lại được các nhà xuất bản, các nhà khoa học, ngành giáo dục và dư luận đề cập nhiều như hiện nay.
Trong xã hội phát triển, cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, mạng Internet phủ rộng mọi nơi, đáng lẽ mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ càng nhiều cơ hội tiếp cận với những tri thức của nhân loại, văn hoá đọc phải được bồi đắp và có ý nghĩa thiết thực. Nhưng trên thực tế, phương pháp giáo dục văn hoá đọc ở nhà trường và chính ý thức của giới trẻ trong việc tiếp cận sách, đã dẫn đến thực trạng báo động về văn hoá đọc.
Nếu như trước kia, các tác phẩm văn chương có tính nghệ thuật cao như "Chiến tranh và hoà bình", "Những người khốn khổ", "Nhà thờ Đức Bà Paris"... được coi là những cuốn sách "gối đầu giường" của nhiều thế hệ thì hiện nay những cuốn sách giải trí đề cập đến những câu chuyện tình ướt át hoặc những cuốn truyện tranh với ngôn từ đủ thể loại được coi là sự lựa chọn số một của nhiều bạn trẻ. Trong khi, những sách văn học nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng của các nhà văn lớn cứ nằm "chèo queo" trên cac giá sách. Tại các nhà sách thì ngược lại, những đầu sách đang nổi đình nổi đám được giới trẻ truyền tai nhau lại là những tác phẩm vẫn được gọi là “sách hạng C”. Nhiều người thẳng thắn nhận định: Giới trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian để "chát chít", nếu đọc thì cũng chỉ là lướt qua các câu chuyện giật gân về các vụ án, các chuyên mục tư vấn tình yêu hoặc những truyên ngắn giải trí mà hiếm thấy bóng dáng của những cô, cậu say mê đọc các tác phẩm văn chương, tìm hiểu văn hoá, lịch sử như trước đây.
Ngay với giới sinh viên, những người vẫn thường được coi là sóng đôi với sách hiện nay cũng không mấy người có thói quen đọc sách. Có lẽ sách bắt buộc họ phải đọc chỉ là những cuốn chuyên ngành hoặc bắt buộc tham khảo để thi. Chính nhiều sinh viên cũng thừa nhận: Việc cầm một quyển sách 200-300 trang chữ và đọc là vô cùng khó khăn, nhất là những quyển sách về lịch sử, chính trị, kinh tế... Bởi đọc sách chiếm khá nhiều thời gian, mà nội dung của những quyển sách này lại dễ gây mệt mỏi, buồn ngủ. Mỗi khi cần sử dụng kiến thức của một lĩnh vực nào đó, họ chỉ việc lên google, gõ và nhấn enter. Thông tin tìm được quá dễ dàng. Còn đọc sách để giải trí ư? Trong khi có quá nhiều hình thức giải trí mới lạ, hấp dẫn, thì sách được xếp xuống danh mục cuối cùng. Do thị hiếu của người đọc, các nhà xuất bản cũng tăng cường mua bản quyền những tác phẩm văn học có tính giải trí hơn là tác phẩm hàn lâm. Có một thời gian, những cuốn sách như: "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", "Mãi mãi tuổi 20", "Lê Vân yêu và sống"... nổi đình nổi đám trên thị trường. Nhiều bạn trẻ cũng đua nhau ra hiệu sách để mua. Nhưng có người chỉ mua cho có trong bộ sưu tập rồi cất đi mà không hề đọc lấy một trang. Từ thực trạng này đã dẫn đến kết quả đáng buồn không chỉ trong thi cử mà ngay trong cuộc sống cũng thể hiện. Không ít những chương trình trò chơi trên đài truyền hình dành cho giới trẻ, người chơi thường rất bí ở những câu hỏi về văn hóa, lịch sử, địa lý... hoặc đôi khi là những câu hỏi cơ bản về thường thức đời sống... Lượng kiến thức này ngoài việc học ở trường thì đa phần phải tích lũy từ sách. Thời gian gần đây, một số hội thảo đã được tổ chức mong tìm ra những giải pháp để khơi gợi lại đam mê đọc sách cho mọi người cùng với rất nhiều chương trình như "Ngày hội đọc sách", giảm giá sách… Nhưng theo nhiều người, để khơi dậy niềm đam mê này cần phải có những giải pháp đồng bộ: Tạo ra nhiều sách hay, hấp dẫn, phù hợp với giới trẻ, đổi mới chương trình, nội dung dạy và học văn học trong nhà trường để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh, tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học và bình phẩm văn học mà đối tượng tham gia là giới trẻ. Muốn tạo niềm đam mê đọc sách cho thiếu nhithì cha mẹ phải là tấm gương. Một sinh viên của trường ĐH Ngoại thương trong một hội thảo về đọc sách đã thẳng thắn nhận định: Biến việc đọc sách thành một thói quen của giới trẻ cũng không phải là quá khó. Thị hiếu của giới trẻ là thích tìm mua những tác phẩm nổi tiếng, được marketing tốt. Nên tại sao không tăng cường marketing cho sách hay, đây là một việc hết sức cần thiết, cho dù đó là sách ở thể loại gì, hay về lĩnh vực gì. Hiện sách hay có lẽ có nhiều, nhưng sách được markting tốt lại không nhiều lắm. Và trên hết, để giới trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc tìm đọc những cuốn sách hay góp phần hình thành nhân cách đẹp cho mình nên thực hiện một số ý tưởng nhưlập ra câu lạc bộ đọc sách, không những giới thiệu sách hay mà còn hướng dẫn các bạn làm sao để đọc sách đúng và có hiệu quả. Cũng có thể tổ chức những cuộc thi đọc sách cho giới trẻ với nhiều hình thức để việc đọc sách, ngay cả những sách ở thể loại kinh tế, lịch sử... cũng sẽ không còn quá khô khăn đối với sinh viên, hơn nữa còn tạo ra một sân chơi giao lưu học hỏi thú vị và trẻ trung cho thanh niên. Có nhà thơ đã nói "Trí tuệ loài người nằm hết trong sách", chính những người không có điều kiện học ở trường đã tự học qua sách mà thành công. Giới trẻ ngày nay thường rất tự tin để tự chọn cách sống cho mình, họ cũng muốn nhận thức cuộc sống bằng con mắt của chính mình. Nhưng có thể nhận thức được nhiều không khi mà "cảo thơm" không giở lần nào.
Theo Kinhtedothi
|