Viết về bè bạn - nhất là khi những người bạn ấy đã quá gần gũi, thân thuộc từng nét tính cách, từng cùng sống qua cái thời khó khăn đến độ không thể quên - là điều không dễ.
Phải làm sao để vừa mô tả đúng cái thân thuộc, vừa có một độ lùi của nghệ thuật, để ngay cả chính mình cũng thấy mới lạ. Bùi Ngọc Tấn làm được điều đó.
Viết về bè bạn (*) gồm tập ký chân dung Rừng xưa xanh lá, tập hồi ký Một thời để mất và phụ lục. Những chuyện được kể trong cuốn sách là những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm với người trong cuộc và cũng không xa lạ với người ngoài, ngay cả với thế hệ mới của thời đại này. Cái tâm của người viết cùng sự hài hước nhẹ nhàng mà sâu cay, đầy từng trải của ông mang lại sức sống cho những câu chuyện có thể là rất bình thường ấy.
Ở đây có chân dung những tên tuổi quen thuộc: Dương Tường, Vũ Bão, Lê Bầu, Nguyên Hồng..., cũng có người mà tác phẩm của họ chỉ còn bè bạn là nhớ. Với lối viết cổ điển, trong sáng, giản dị, không có gì cầu kỳ màu mè, nhưng sự chân xác của câu chữ Bùi Ngọc Tấn là kết quả của cả một đời miệt mài, trân trọng chữ nghĩa. Còn lại, những ấn tượng và vốn sống phong phú tự làm nên nét độc đáo.
Bùi Ngọc Tấn và các bạn ông đã trải qua một thời kỳ đặc biệt. Những tính từ nói về khó khăn, thiếu thốn, trở ngại... là vô nghĩa nếu người ta không trải nghiệm thật sự. Ở thời kỳ đó, con người bị hạ xuống một mức đặc biệt. Đó chưa phải là một mức thấp đến tuyệt vọng để có thể vứt bỏ hết mà đối đầu, nó vẫn còn có thể thỏa hiệp. Nếu thỏa hiệp, người ta sẽ được cung cấp - hoặc cho phép xoay xở - để tồn tại cho đủ ở mức "sống sót".
Giả dụ như quy trình chụp ảnh và mua thịt của nhiếp ảnh gia Vũ Tín. Lúc đó thợ ảnh và các cô bán thịt còn là những quyền lực đặc biệt, nhưng các cô mậu dĩ nhiên ở đẳng cấp cao hơn: Hôm chụp ảnh. Một lần mua. Tất nhiên rồi. Mấy hôm sau cho xem phim. Cầm phim soi soi lên giời. Một lần mua. Lần thứ ba. Xem ảnh in thử, khổ 3x4. Lại mua. Lần thứ tư là lần đem tấm ảnh 6x9 nghiêm chỉnh đến. Và nếu khéo tán tỉnh, Dì Hai bốc lên đồng ý: phóng to cỡ 13x18 hay 18x24 (Dì Hai hoàn toàn không phải trả tiền) để làm một cái xú ve thì được mua đến lần thứ năm. Riêng lần này có thể mua mông sấn hay mỡ lá, những thứ cực kỳ quý hiếm.
Còn nhiều quy trình như thế, như câu chuyện về Chu Lai, Đình Kính và Nguyễn Quang Thân với quy trình viết thuê cuốn sách ca ngợi lâm trường, hay những mánh khóe bán máu của Dương Tường, Mạc Lân đã áp dụng trong cả một thời kỳ dài đến khó tin.
Ở thời kỳ của sự nghi ngờ, sự bó buộc tinh thần một cách nông cạn và thô bạo, khi tất cả bản năng xấu xa có mọi điều kiện để bộc lộ thì Bùi Ngọc Tấn và những người bạn của ông vẫn không thể thay đổi được. Không ít lần ta nghe ông thốt lên: "Chúng ta có mấy khi được là chúng ta đâu" hay "Được hoàn toàn là mình sung sướng biết bao". Là mình ấy - là như thế nào? Là đau đáu với nghệ thuật, với những suy tư độc lập, là trân trọng tình nghĩa và giữ nhân cách từ những điều nhỏ nhất thường ngày - cũng tức là những điều khó nhất.
Người đọc không thể không cười với sự hóm hỉnh đặc biệt trong cách kể chuyện của ông. Cười mà rơi nước mắt, cho những cơ hội lỡ dở, những ước vọng phí hoài, những khổ đau vô nghĩa con người gây ra cho nhau. Rơi nước mắt xót thương và khâm phục cho sự trong sáng của tình bạn, cho những cái giá phải trả để sống đúng với bản chất con người mình.
Một tập sách thú vị và cảm động, vừa dễ đọc, vừa có thể thưởng thức, với rất nhiều hiện thực - điều mà phần lớn tác phẩm văn học trẻ hiện nay còn thiếu. Có lẽ vì thế hệ của Bùi Ngọc Tấn và bạn bè ông luôn biết nhìn lại mình, để thấy "thế hệ chúng tôi không phải không có những người tài. Chỉ vì quá tuân theo quy ước, ngay trong nội tâm đã không thắng nổi mình".