Trong cuốn "Bên suối, bịt tai nghe gió", Văn Thành Lê đưa độc giả trở về tuổi thơ qua những câu chuyện về chuyến nghỉ hè của cậu bé Thành.
Trẻ nhỏ luôn tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh, càng khác lạ càng bị thu hút. Làng quê, với một đứa trẻ thành thị như Thành càng trở nên đặc biệt. Hơn nữa, chuyến về quê ông bà nội năm ngoái càng khiến cậu nung nấu ý muốn quay trở lại.
Gặp hội bạn ở quê (Lê Thủ Lĩnh, Văn Lắp, Điệp Điệu và Tuyết Đen), Thành cùng "đồng bọn" tinh nghịch bày đủ trò chơi. Trong đó có trò "Anh đi đâu đấy? Tôi đi đám ma!". Dù sợ ma, nhóm bạn vẫn hào hứng với trò giả chết này. Gan lì là vậy nhưng cả bọn vẫn "tè ra quần" trước tiết mục bịt mắt phi dao của đoàn lô tô. Tiết mục gay cấn, cộng thêm "tiếng nhạc như phim kinh dị", tất cả hồi hộp theo dõi phần biểu diễn.
Bên cạnh niềm vui trẻ thơ, Thành và hội bạn còn trải qua những giây phút lắng đọng cảm xúc. Bọn trẻ dần hiểu chuyện, biết yêu thương và quan tâm những người xung quanh: "Thằng Lê lì lợm và kiên định vậy mà cũng khóc tu tu. Chúng tớ nhìn nhau, mắt đứa nào cũng ướt, đỏ hoe".
Nhà văn Văn Thành Lê. Ảnh: NXB Kim Đồng.
Sau mỗi việc trải qua, các em nhỏ học được một bài học ý nghĩa. Cùng là hành động bịt tai và im lặng để nghe tiếng gió nhưng mỗi người lại nghe một âm thanh khác nhau. Văn Lắp thì nghe được mỗi tiếng "u u u u u...", Lê thủ lĩnh nghe được cả tiếng "Bác Phú. Bác Phú. Bác Phú...", còn Thành thì lại nghe được tiếng "Bác cười. Bác cười. Bác cười". "Cũng như đứng trước một bức tranh, mỗi người sẽ cảm nhận và nghĩ về bức tranh theo cách của mình. Có như vậy, thế giới này mới sinh động, nhiều màu sắc, nhiều mùi, nhiều âm thanh và thật đẹp". Giống như khi đối mặt với một vấn đề khó khăn, người có suy nghĩ tích cực, lạc quan sẽ tìm cách giải quyết và vượt qua. Còn người hay tự ti, chán nản trong cuộc sống thì dễ phạm sai lầm.
Kết thúc kỳ nghỉ Hè, Thành và em Bống được bố mẹ đón về thành phố. Chào tạm biệt rồi dặn dò bạn bè xong xuôi, Thành lên xe ra về. Ngồi lên xe, cậu bé ngắm nhìn cảnh vật tươi đẹp nơi đây "Cánh đồng. Con suối. Núi đồi. Và những ngôi nhà. Lần lượt lùi lại sau lưng. Trước mặt tớ, mặt trời đang dần lên cao, đỏ dịu và ấm lành...".
Văn Thành Lê tên thật là Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, hiện sống và làm việc tại TP HCM. Tác giả có các sách đã xuất bản như: Hình như là tình yêu (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2008), Con gái tuổi Dần (tập truyện, NXB Trẻ, 2009 - tái bản 2010), Trạm điện thoại ở thiên đường (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2011), Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (truyện vừa thiếu nhi, NXB Trẻ, 2011), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (tập truyện, NXB Thời Đại, 2012 - NXB Văn học tái bản, 2015), Không biết đâu mà lần (truyện dài, NXB Trẻ 2014 - tái bản 2015), Châu lục thứ 7 (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2014), Ngày xưa chưa xa (tản văn và thơ, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2015)...
Anh từng đoạt các giải thưởng: giải ba cuộc thi thơ Báo Mực Tím, 2008, giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Phụ nữ TP. HCM, 2009, hai lần đoạt giải thưởng thơ Bút Mới, báo Tuổi Trẻ, 2010 & 2012, giải nhì cuộc thi truyện ngắn Văn học trẻ, Tạp chí Xứ Thanh, 2011, Tặng thưởng tác phẩm hay (về truyện ngắn), Tạp chí Nhà văn, 2011, giải Tư cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng - Hội Nhà văn Đan Mạch, 2015...
Theo vnexpress.net
|