Chen Jing Qi, cô gái mắc bệnh xương thủy tinh ở Trung Quốc, được mọi người yêu quý gọi với cái tên thật đẹp "búp bê thủy tinh". Sống trong bệnh tật nhưng Qi khiến những người xung quanh nể phục vì nghị lực phi thường của mình.
Không được học hành đến nơi đến chốn và đang phải chiến đấu với căn bệnh khiến cô không thể đi được nhưng Qi vẫn cố gắng xuất bản một cuốn sách nhằm giúp những người cùng hoàn cảnh có thêm sức mạnh. Chính nghị lực phi thường đã giúp cô gái có thân hình nhỏ nhắn này vượt qua được bóng đêm cuộc đời. Qua nhiều năm tự học, cuối cùng Qi đã xuất bản cuốn sách của riêng mình. Tác phẩm này ra đời nhằm mục đích chia sẻ với người đồng cảnh ngộ những gì cô từng trải qua. Qi được gọi với cái tên 'búp bê thủy tinh'. Trong cuộc phỏng vấn với Sin Chew Daily, Qi tiết lộ mình không được đi học đến nơi đến chốn vì tại thời điểm cô bị bệnh, vẫn chưa có một ngôi trường đặc biệt cho những bệnh nhân như "công chúa thủy tinh". Không ngôi trường bình thường nào chịu nhận cô, bạn bè cũng không thích học với một người bạn như cô, Qi bắt đầu tự học ở nhà.
Đam mê học, Qi đi cùng chị gái tới trung tâm và ngồi cạnh chị để học ké. Sau nhiều năm, "búp bê thủy tinh" bắt đầu tập nghe nhạc ở nhà và ghi lại lời những bài hát cô yêu thích. Cô gái có thân hình nhỏ bé này cải thiện vốn từ vựng của mình qua việc học lời bài hát và nỗ lực gấp nhiều lần so với những người tự học ở nhà khác bởi cô muốn có một tương lai xán lạn, một cuộc đời tươi mới và không chấp nhận mù chữ.
Lúc ở nhà, Qi thích chia sẻ câu chuyện của mình bằng những entry trên blog. Chính việc này đã giúp kỹ năng viết của cô trở nên khá hơn. Ý tưởng viết sách của "búp bê" bắt nguồn từ lời gợi ý của một người bạn. Bạn bè Qi động viên cô nên viết để câu chuyện cuộc đời cô được san sẻ tới nhiều người hơn.
Trong cuốn sách có nhan đề A Happy Life Journey Without Footprints (tạm dịch: Hành trình không dấu chân của một cuộc đời hạnh phúc), Qi động viên những đứa trẻ khác bị bệnh giống mình và truyền cho chúng niềm tin, nghị lực sống trong cô. Qi kể, trong suốt những tháng ngày ngồi viết sách, cô nhớ lại những gì đã qua với mình và nở nụ cười thật tươi. Theo My Sin Chew, Mục đích chính mà cuốn sách của "công chúa thủy tinh" muốn truyền tải đó là khuyến khích các bậc cha mẹ có con bị bệnh không nản lòng hoặc bỏ rơi con mình. Qi tin rằng tất cả những đứa trẻ tật nguyền đều đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ, giống như cô nhận được tình yêu thương từ bố mẹ mình.
Nguồn: Ngôi sao
|