Tác phẩm "Phan Quang, bạn và nghề" vừa được NXB Văn học ấn hành trong dịp hè 2012, một cuốn sách có nhiều điều đặc biệt: Là sách không bán; nói về nhà văn, nhà báo, dịch giả nổi tiếng Phan Quang với toàn bộ tư liệu, bài viết là của bạn văn, đồng nghiệp nhiều thế hệ của ông. Sách do các nhà báo Trần Thanh Phương, Lê Bân, Phan Hoàng sưu tầm, biên soạn. Đó là một món quà tặng nhân tuổi 85 của người đồng hành xuất sắc với báo chí và văn học Việt Nam. Qua cuốn sách hơn 500 trang này, bạn đọc được gặp lại nhiều tên tuổi của làng văn, làng báo, giới khoa học Việt Nam như Chế Lan Viên, Tô Hoài, Vũ Quần Phương, Hà Minh Đức, Ngô Thảo, Nguyễn Lân Dũng... Bên cạnh đó là sự góp mặt của những nhà báo trẻ thuộc thế hệ 8X. Văn phong khác nhau, bối cảnh, góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả cùng chia sẻ suy nghĩ về tác phẩm và tác giả Phan Quang. Những bài viết này đã được đăng tải trên sách, báo trong khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây. Sự hội ngộ này quả có ý nghĩa, bởi nó mang lại cho độc giả những cảm nhận mới lạ trước một cây bút đã quá đỗi nổi tiếng trong cái nhìn yêu quý, trân trọng, thú vị của đồng nghiệp, bạn bè. Để rồi mới thấy một cách toàn diện hơn về khối lượng tác phẩm không hề nhỏ, kết quả mấy chục năm lao động cần mẫn của cây bút Phan Quang. Từ những truyện ngắn viết cách đây 50 năm cho đến những tập ký văn học dày dặn được xuất bản cả trước và sau thời kỳ đất nước đổi mới, rồi những đầu sách dịch đã trở thành kinh điển, những tập sách tiểu luận về báo chí, về nhiều nhân vật hàng đầu trong các lĩnh vực và hàng ngàn bài báo… Làm thế nào mà trong Phan Quang, con người nhà báo (nhất là của một tờ báo Đảng) vốn phải tư duy tỉnh táo, mạch lạc với con người văn sĩ vốn nhạy cảm, ưa phóng khoáng lại có thể song hành? Rất nhiều bài viết trong tập sách này đã góp phần lý giải thuyết phục về sự hội tụ những phẩm chất ấy trong ngòi bút nhà văn, nhà báo Phan Quang. Vẻ như, không cố tình mà lại hiệu quả, cuộc hội ngộ của những bài viết này giúp cho người làm báo, nhất là nhà báo trẻ nhận ra cái chất văn gắn kết người viết với người, với đời đã trở thành động lực cho một nhà báo cách mạng không ngừng đi, không ngừng quan sát, không ngừng học hỏi để đưa ra nhận xét sắc sảo, thấu tình đạt lý. Cái chất văn ấy, như ông từng chia sẻ: "Tác phẩm báo chí muốn lưu giữ lại được với thời gian thì ngoài việc chọn chủ đề hay, có cách tiếp cận tốt còn phải mang đậm tính văn học". "Phan Quang, bạn và nghề" khiến độc giả - người làm báo xúc động, nó còn có một đời sống khác, lâu bền, là tài liệu quý của báo chí Việt Nam. Tính báo chí, thời sự của cuốn sách còn thể hiện trong hàng loạt bài viết của nhiều cơ quan báo chí về sự kiện vụ trộm văn trắng trợn dịch phẩm "Nghìn lẻ một đêm" của nhà văn, nhà báo Phan Quang năm 2003. Đọc lên, thấy vẫn mới nguyên, thấy "sốt ruột" hơn trước một hiện tượng đã thành bệnh nặng của văn học, báo chí và cả xuất bản nước nhà - bệnh vi phạm bản quyền. Còn nhiều nữa những cảm nhận của người làm báo khi đọc "Phan Quang, bạn và nghề" mà ở đó, sau mỗi trang sách, dù có là ai viết, viết ở góc độ nào thì vẫn thấy thấp thoáng một bài học giản dị về "một thái độ, một cách làm việc" (Chế Lan Viên) của nhà văn, nhà báo Phan Quang. Phải chăng, đó cũng là dụng ý của những người đã bỏ công sưu tầm, biên soạn cuốn sách này?
|