Tôi là kỹ sư kinh tế ở Nga về. Nghe không vang như câu trên. Phải thôi. Kinh tế Nga chục năm nay lu mu, chả ra "kế hoạch quốc gia", chả ra "kinh tế thị trường". Sách vở là phương tiện cãi nhau của các nhà "đổi mới". Năm năm đèn sách nhét thứ đó vào đầu không ngớ ngẩn là may. Tôi mang chiếc bằng xinh xinh đi xin việc cùng lời quảng cáo khiêm tốn như trên. Đầu tiên tôi mua báo, nghiên cứu "tuyển người", đánh dấu xanh đỏ những chỗ "khả thi". Tôi bắt đầu gọi điện. Nhà có điện thoại lợi đủ đường. Tuy nhiên, mỗi lần "bắt" được giọng đầu dây kia, hiện tượng này chiếm 30% số lần gọi, mẹ và bà chị dâu đều "ý tứ" xem đồng hồ. Nào tôi có ham "nấu cháo điện thoại" mà tại phí điện thoại nó "cấu" vào đồng lương gớm quá. Tôi học kinh tế ở Nga, tưởng "kinh tế" cho gia đình mấy năm sinh viên. Nào đâu đúng thời kỳ khó khăn. Việt Nam qua thời "tem phiếu" từ lâu mà nước Nga bắt đầu "talon"*. Tháng 2 kg đường, 7 lạng thịt, 2 chai vôtka là tiêu chuẩn sinh viên! "Talon" đường và rượu coi như đủ còn 7 lạng thịt thiếu nă.ng. Ra chợ, có đấy, nhưng "đời sinh viên lấy đâu ra tiền". Chẳng nhẽ để con gái chết đói ở đất nước Xã hội chủ nghĩa, mẹ tôi đành tiếp viê.n. Năm năm "hạch toán" ra chắc cũng lõm của mẹ tôi ối. Biết thân, biết phận nên về nước tôi không dám làm mình, làm mẩy "quen ở Tây" thế nọ, thế kia. Chỉ duy nhất cái "màn tra tấn" 6 giờ sáng bị khua bằng đủ âm thanh "nội" "ngoại" là tôi "choáng" hẳn. "Nội" là tiếng mẹ tôi mở cửa sắt đi tập thể dục, chị dâu tranh thủ sáng có nước bơm giặt giũ. Xô chậu "duyệt binh" xủng xoảng ra trữ nước dùng trong ngày. "Ngoại" là tiếng rao bán. Từ "mỳ nóng", "bánh cuốn", "xôi" các loại đến gạo tẻ, gạo nếp "tên tuổi" nghe như tiếng Thổ, hoặc mắm muối kèm mùi khó tả... Rao the thé, ồ ồ có, ai oán, uốn éo cũng có. Điên nhất là ông mãnh "mỳ nóng" sáng nào cũng chính xác như đồng hồ Tây. Nó đứng dưới cửa sổ tôi gào "mì nóng" lanh lỏi, kết thúc bằng chữ "ròn". Chao ôi, khâm phục độ nẩy của lưỡi nó. Đồ rằng, cả miền Bắc có mình nó biết phát âm chữ R! Không trốn được những âm thanh đó, tôi chúi đầu vào đống chăn chịu đựng qua "cơn bĩ cực". Nhưng giờ "thái lai" đến là lúc mẹ tôi đi tập thể dục về. Nhìn con gái còn "giương đò", bà lại ca "dậy sớm có lợi cho sức khỏe" là lá la... Thôi thà dậy béng cho xong. Chuyện xin việc không thể gọi điện thoa.i. Tôi đã qua bài học thứ nhất khi tổng kết thông tin qua điện thoại là con số 0 tròn trĩnh. Mấy người trực điện thoại hoặc nhấm nhẳng hoặc chẳng trả lời câu nào cho ra hồn. Tôi mò tới các "Trung tâm giới thiệu việc làm" và thấy ngay mình là con ngớ ngẩn. Vừa lộ "tốt nghiệp ở Nga về", họ hỏi ngay: "Sao không ở lại, về làm gì?" "Làm việc." "Việc gì mà làm?" Tôi trố mắt nhìn họ, thầm điểm lại xem mình có vào nhầm chỗ. "Ở đây không giới thiệu việc à? Sao ngoài kia cả chục người làm hồ sở" "Họ làm hồ sơ xin đi ra nước ngoài lao động, làm ăn. Đi Hàn quốc, Libi, Iran... có cả đi Nga đấy. Cô có muốn... " Tôi xua tay cám ơn rồi chuồn thẳng ra cổng. Bài học thứ hai. Tránh lai vãng ở "Trung tâm giới thiệu mờ ám". Không khéo bị lẫn vào hàng ngũ các cô gái "sính" chồng Đài Loan thì hỏng. Sau hai bài học, 50% nhiệt tình "phục vụ đất nước" đã đi đong. Tôi chuyển sang "xu hướng" nghe ngóng, suy xét chứ không đâm đầu làm theo báo nữa. Người thân mong ngóng tôi trở về sau những năm xa cách, qua 5 tháng, tình cảm cũng vơi đi. Đến mẹ tôi còn sốt ruột khi thấy con gái thất nghiệp nằm chỏng gọng ở nhà. Bà rỉ rả nhắc "nhàn cư vi rồi đấy con ạ". Thì đúng quá rồi, nhàn đến "rách việc" đây. Sáng chiều cơm nước. Từ ngày tôi về, tự dưng cô "Osin" được về quê. Chả hiểu bà chị dâu tôi tốt nghiệp khoa kinh tế ở đâu mà giỏi tính thế. Tôi hậm hực cũng chịu, nhăn nhó mẹ tôi lại chả "hát" nửa tiếng đến ong thủ mất. Bạn bè, đứa có việc đi làm cả ngày, đứa chưa có việc lại có người yêu hay chồng con. Tôi trơ thổ địa, chẳng nhẽ trách ông Trời. May có dăm ba đứa cũng dạng "lơ lửng giữa trời" như tôi. Tối tối tôi xách xe chạy qua nhà bọn chúng tán gẫu, chia xẻ kinh nghiệm xin việc và "mánh khóe sống đời" cho nhau. Tôi hiểu giờ người ta xin việc là xin vào chỗ có "mầu". "Mầu" là bổng lộc. Khoản này không thể có ngay khi mới làm mà phải nhích lên "lão làng". Không phải ai cũng nhấp nhổm lên được. Chỉ những "tinh hoa" thôi. "Mầu" nữa là "mầu đi Tây" theo suất "nâng cao". Tụi bạn tôi may mắn có việc thấy chí tiến thủ của chúng nhuộm sắc "hướng ngoại". Chúng cong mông chạy theo các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp như lũ "sống gấp", xem ngoại ngữ là cái "cánh" mang chúng ra bầu trời tự do. Sau mấy tháng "thất nghiệp" từ một con "Nga ngố" tôi kết hợp tính nói thẳng, nói thật của Tây với ngoa ngoắt của mấy bà hàng rau, hàng thịt mà mỗi ngày hai lần tôi nhẵn mặt thành một dạng "củ chuối" mà mẹ tôi không chấp nhận đươ.c. Không chấp nhận thì cũng chịu thôi. Bạn bè bầu tôi là "huấn luyện viên phụ huynh" tầm cỡ. Từ chỗ mẹ tôi muốn lấy lại hình ảnh đứa con gái út thùy mị thuở trước ngày đi Tây, chuyển sang tôi "biến" bà phải chấp nhận triết lý "cái gì cũng có thể với con gái mình", thậm chí là cướp biển! Một kết quả đôi bên cùng có lơ.i. Tôi được tự do, mẹ tôi khỏi thấp thỏm khi khuya khoắt. Nhưng còn một cái lợi nữa mà tôi chưa lường được. Tình trạng "bụi đời" của tôi khủng bố tinh thần cả nhà nên họ huy động toàn bộ các mối quen biết họ hàng từ "bắn đại bác" đến "phi dao" để tìm việc cho tôi. Vào một bữa cơm chiều, ông anh trai yêu quý của tôi thông báo một tin quan trọng rằng có ông giám đốc, bạn cũ hồi phổ thông, dù mới tìm lại nhưng có nhiều duyên nợ với ông anh tôi, nhận tôi vào công ty ông ta. Mà đó là công ty nhà nước trăm phần trăm nhé, thuộc Bộ khoa học và Công nghệ môi trường cơ mà. Cả nhà xôn xao, khởi sắc. Tôi cũng hí hửng như sắp thành "ông nọ, bà kia". Thêm bài học thứ ba. Muốn xin được việc phải quen biết. Tổng quát, muốn được bất kỳ việc gì đều phải có "quan hệ". Cứ kiểm chứng bằng những buổi tôi "đánh quả" nhà bạn bè là biết. Chị dâu hay mẹ tôi đi chợ, y rằng bọn bán hàng nó giúi cho rau già, bí xơ, thịt dai nhách. Không có "quan hệ khách hàng thường xuyên" tôi xây dựng mấy tháng nay làm sao mà có đồ ăn ngon. Tôi giờ ra chợ mua cả tuần không trả tiền là cứ vô tư. Quen thế, không chừng khi nào cưới, tôi phát đại cho chúng thiếp mời cũng chẳng có gì muối mặt hết! Ông anh giục tôi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo xin giấy chứng nhận tốt nghiệp làm hồ sơ. Tôi ngoạc mồm cãi "bằng sờ sờ ra còn chứng nhận, chứng nhiếc gì" liền bị cả nhà xúm vào sỉ vả ác liệt. Mỗi người một giọng lên lớp hòng dẹp cái thói "ngông nghênh" của tôi. Mười giờ sáng tôi có mặt ở cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phải công nhận "mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" có khác. Nhà cửa của Bộ đàng hoàng, khang trang. Khu vườn rộng thênh thang giữa thủ đô tấc đất, tấc vàng nhìn mà sướng mắt. Theo hướng chỉ của bảo vệ, tôi tiến đến khu nhà 5 tầng. Tôi bắt đầu một chuỗi những "xin lỗi chú cho hỏi", "xin lỗi cô cho biết" và cuộc "việt dã" theo cầu thang. Giờ tôi mới biết người Việt Nam đâu có tính "nhúng mũi" vào chuyện người khác. Tất cả các câu hỏi của tôi về phòng cần tìm đều được trả lời u ơ "không rõ", "hình như", "tầng ba hay tầng hai gì đó". Tôi khùng người vì leo thang nhưng nhờ vậy mới ngộ ra vì sao mẹ tôi về hưu rồi còn tập chạy, có lẽ thói quen chăng? Cuối cùng tôi cũng mò ra phòng phụ trách lưu học sinh tốt nghiệp về nước. Tôi gõ cửa dõng dạc, bước vào sau tiếng hừm hừm thay tiếng mời. Tất nhiên tôi chào lịch sự như Tây dù chỉ nhận lại chiếc gật hay lay động cơ cổ.
TRUYỆN NGẮN CỦA THUỲ DƯƠNG
|