Tôi là nhà thơ của tỉnh H, năm nay sáu mươi chín tuổi. Theo cách đánh giá riêng, tôi nghĩ sáng tác thơ của mình phải đứng hàng đầu trong tỉnh. Nhưng mấy tay phê bình lại xếp tôi thứ ba. Bảo tôi nhận mình thứ ba cũng được, nhưng vấn đề là các anh phải công nhận công sức của hai vị trước quả thực không bằng tôi. Không tôi đã bố trí hai học trò của mình viết bài, lần lượt phê phán văn chương của hai anh chàng kia. Tuần trước, hai học trò nộp bài, đề nghị tôi thẩm duyệt. Nào ngờ tôi lại lăn ra ốm. Tôi được biết mình bị ung thư, chỉ sống một tuần nữa. Vợ con tôi khóc ầm ĩ - Đồ hèn! Đừng khóc nữa! Tôi quát to. Cả nhà bỗng im như thóc. “Đời người xưa nay ai chẳng chết” tôi vừa khóc vừa ngâm câu thơ cổ, rồi lại nói: - Nhưng phải chết nặng như núi Thái Sơn. Tôi lặng lẽ gọi vợ, ghé vào tai nói mấy câu. Vợ tôi nuốt lệ gật đầu, nói: "Người sắp chết nói điều gì cũng đúng. Cho dù người ta đòi hái sao trên trời, cũng phải thề hái bằng được” Đúng như dự đoán của bênh viện, một tuần sau tôi qua đời. Hội nhà văn tỉnh long trọng tổ chức tang lễ cho tôi. Ông Lý, phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hóa giáo dục đích thân đến viếng, vái trước thi thể tôi ba vái. Ông Lưu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh đọc điếu văn bằng cái giọng nhỏ trầm mà khàn khàn. Giọng ông khàn khàn là có thật, còn nhỏ trầm là giả dối. Điều này thì tôi biết. Thằng cha ấy vẫn hay coi thường thơ tôi. Đương nhiên, tôi càng coi thường tản văn của hắn. “Sự ra đi của đồng chí Trương Tam là một sự tổn thất trọng đại của giới thơ ca tỉnh nhà…” Quả nhiên, không ngoài dự liệu của Tôi, thằng cha ấy đã dám dùng hai chữ “trọng đại” thay cho “cự đại” “sức nặng” hai từ này khác hẳn nhau. Vợ con tôi vừa nghe thấy ông Lưu Phó chủ tịch đọc bốn chữ “ Tổn thất trọng đại” liền gào toáng lên. Ông Lưu phó chủ tịch không thể đọc tiếp. Mấy cán bộ của Hội nhà văn tỉnh bước đến an ủi gia đình tôi, đồng thời cũng muốn để ông Lưu phó chủ tịch đọc tiếp: “Sự ra đi của đồng trí Trương Tam là một tổn thất trọng đại của giới thơ ca tỉnh nhà…” Ông Lưu phó chủ tịch đọc lại một lượt nữa. Đương nhiên đúng như các bạn đoán, người nhà tôi lại khóc ầm lên. Ông Lưu Phó Chủ Tịch trầm tư hai giây, bước đến trước mặt vợ tôi, khẽ hỏi: - Bác Vương, trước khi nhắm mắt, đồng chí Trương Tam có để lại cho tổ chức lời nhắn nhủ gì không? - Có – vợ tôi nhìn tôi, mồm tôi hơi động đậy, ám chỉ bảo bà ấy làm theo kế hoạch. Bà ấy đành phải liều nói tiếp – Trong lòng bàn tay ông áy có viết một chữ. Ông ấy bảo cho chữ này vào trong điếu văn. - Để lại một chữ ư? Mau xem xem. – Ông Lưu Phó chủ tịch sải bước đến bên thi thể, mở một bàn tay tôi. Không có. Ông vội vàng mở tay kia. Môt chữ “cự” viết bằng mực đang nằm lặng lẽ trong lòng bàn tay trái của tôi. Ông Lưu Phó chủ tịch hiểu ý. Ông ấy biết tôi muốn thay "tổn thất trọng đại” thành "tổn thất cự đại”. - Bác Vương – Ông Lưu phó chủ tịch vô cùng lúng túng nói – Đánh giá về đồng chí Trương Tam là do lãnh đạo Hội Nhà văn tỉnh thảo luận rồi thống nhất, cá nhân tôi không có quyền sửa đổi. Người nhà tôi lại gào khóc ầm lên. Ông Lưu phó chủ tịch bối rối khó xử. Điều này tôi biết. Thằng cha ấy tuy coi thường tôi, nhưng không mâu thuẫn căn bản với tôi. Đối đầu thực sự với tôi là hai lão: Phùng, chủ tịch và Trần, Phó chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh. Hai vị này được các nhà phê bình thổi phồng lên là nhà thơ số một và số hai của tỉnh H. Khi tôi còn sống chính hai lão này đã ra sức đả kích, chèn ép tôi. Bây giờ tôi chết rồi mà họ vẫn không buông tha. Ông Lưu phó chủ tịch sải bước ra khỏi nhà tang lễ, rút máy điện thoại ra gọi cho ông Phùng Chủ tịch đang đi khảo sát mãi tận nước Mỹ xa xôi. Ông Phùng chủ tịch không đồng ý sửa lại lời điếu. Ông Lưu phó chủ tịch lại gọi điện thoại cho ông Trần Phó Chủ tịch đang ở thăm nước Nga. Ý kiến của hai ông hoàn toàn giống nhau. - Bác Vương- nét mặt mệt mỏi, Ông Lưu phó chủ tịch nói với vợ tôi.- chữ “cự” mà đồng chí Trương Tam để lại rất khó thêm vào. Người nhà tôi lại lăn ra khóc, ướt sũng như chuột lột. Vô cùng lo lắng, ông Lưu Phó Chủ Tịch vội vàng bước ra ngoài cửa nhà tang lễ. Đột nhiên, mặt ông sáng bừng lên, ông lại gọi điện thoại cho ông Phùng chủ tịch và ông Trần phó chủ tịch. Tôi liếc mắt nhìn theo, thấy ông Lưu phó chủ tịch hớn hở. Ông Lưu phó chủ tịch bước thoăn thoắt đến trước micro, với giọng thống thiết ông đọc tiếp: “Sự ra đi của đồng chí Trương Tam là một tổn thất cự đại của giới thơ ca tỉnh nhà…” Sao vậy? Nói sửa là sửa được ư? điều này nằm ngoài dự kiến của tôi khi còn sống. Tốt quá! Không kìm nổi, tôi xúc động chảy nước mắt. Người nhà tôi há hốc mồm, khóc không thành tiếng. Người ta đã sửa rồi, còn khóc là gì nữa. Thế là tôi yên chí vào lò thiêu. Trước khi vào lò thiêu, tôi nghe thấy cuộc đối thoại giữa ông lý Phó chủ tịch tỉnh và ông Lưu Phó chủ tịch Hội Nhà văn. Ông Lý Phó chủ tịch tỉnh nói: - Anh làm thế nào đả thông tư tưởng cho anh Phùng và anh Trần Ông phó chủ tịch Lưu trả lời: - Thưa anh, tôi nói với hai anh ấy, sau này khi hai anh về thế giới bên kia, trong lời điếu sẽ viết sự ra đi của họ “là một tổn thất cực kỳ cực đại của giới thơ ca tỉnh nhà”.
trích "Truyện cực ngắn Trung Quốc"
|